Không chủ quan với bão số 2

Đăng ngày: 03-07-2019 | Lượt xem: 1211
Theo dự báo, khoảng 4 giờ sáng mai (4/7) bão số 2 (có tên khoa học là Mun) sẽ đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Vùng dự báo tâm bão nhiều khả năng là TP. Hải Phòng. Khi vào Vịnh Bắc bộ, bão số 2 sẽ mạnh hơn nhưng vẫn ở cấp 8.

Sáng ngày 3/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn về cơn bão số 2.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 3/7, lượng mưa tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Đến ngày 4/7, mưa tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đêm ngày 4/7, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa ở khu vực miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 2

Còn theo Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), trên đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn 1.640 du khách, trong đó có 4 khách nước ngoài, đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin đôn đốc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn cho những du khách. “Trong những ngày qua, chúng tôi đã phát 3 văn bản yêu cầu các địa phương thông tin, kiểm đếm, hướng dẫn hơn 56.000 phương tiện tàu thuyền với 229.331 người về nơi tránh trú bão an toàn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, người đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn trước 17h ngày 3/7”, ông Trần Văn Đình nói.Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết: Dự báo lượng mưa ở miền núi khoảng 100 - 250mm, có nơi trên 300mm, còn khu vực Bắc bộ lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm. Vùng nguy hiểm ở phía Bắc vĩ tuyến 18o và phía Tây kinh tuyến 111,5o kinh Đông. Miền núi phía Bắc và khu vực vừa xảy ra cháy rừng ở miền Trung tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở.

Triển khai các giải pháp ứng phó bão, các đại biểu lưu ý, đây là cơn bão đầu mùa, phạm vi tác động rộng trong khu vực có nhiều hoạt động kinh tế trên biển và trên đất liền, nhất là hoạt động du lịch. Vì vậy, cần khẩn trương rà soát lại các phương án, tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là đối với tàu vận tải vãng lai và du khách trên các đảo. Đối với mưa, do hoàn lưu bão được dự báo khá lớn nên đe dọa ngập úng cục bộ tại đô thị các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội; sạt trượt ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Sức gió của bão số 2 được đánh giá là nhẹ, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong ứng phó bão số 2, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Thông tin dự báo bão cần bám sát thực tế, thường xuyên liên tục để phục vụ công tác điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, giúp địa phương và các lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ động các phương án ứng phó. Đặc biệt chú ý các tuyến đê, hồ chứa xung yếu, ngập úng ở các đô thị. Đề phòng lũ ống sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. “Các hồ chứa đang trong vùng sửa chữa phải được giám sát 24/24, nhất là các hồ xuống cấp nghiêm trọng. Bài học ở Lào chúng ta đã biết, chỉ một hồ chứa dung tích chưa đến 5 triệu m3 xảy ra sự cố nhưng đã gây thiệt hại rất lớn", ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đến vùng sạt trượt ở miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua xảy ra nắng khánh kiệt, rừng cháy trụi thảm thực bì. Đặc biệt là Quảng Ninh, hệ thống bãi sỉ tiềm ẩn xảy ra sự cố sạt trượt nguy hiểm, cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn.

Theo congthuong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: