Lạng Sơn chủ động phòng chống rét, sương muối cho gia súc, vật nuôi

Đăng ngày: 12-12-2019 | Lượt xem: 1743
Hiện nhiệt độ trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn luôn ở mức thấp, một số khu vực giảm xuống chỉ còn từ 2 - 3 độ C; nhiều nơi đã xuất hiện sương muối.

Gia súc, vật nuôi được nhốt trong chuồng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. 

Để chủ động phòng chống rét cho gia súc và vật nuôi, nhiều hộ nông dân đã tích cực dự trữ thức ăn; sửa chữa, che chắn cũng như tăng cường vệ sinh chuồng trại.

Xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng hiện có trên 500 con trâu, bò. Chăn nuôi gia súc không phải là thế mạnh kinh tế của địa phương nên trâu bò chủ yếu dùng làm sức kéo trong canh tác nông nghiệp. Trước kia, khi mùa đông đến, người dân vẫn có thói quen chăn thả tự do nên có tình trạng trâu bò bị chết rét vì không kịp lùa về chuồng trại. Khoảng chục năm trở lại đây, việc trâu bò chết vì đói rét đã không còn bởi nông dân đã chủ động hơn trong việc chăn thả, dự trữ thức ăn, he chắn chuồng trại.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Thủy Nguyễn Thị Thoan cho biết, Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp của địa phương đã hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi trong mùa đông; vận động thu gom, dự trữ thức ăn như rơm, rạ, các loại lá rừng, gia cố, tu sửa chuồng trại. Đặc biệt, thời gian giá rét, khuyến cáo người dân chủ động đưa trâu bò về nhốt trong chuồng kín gió, khô ráo và sưởi ấm vào ban đêm.

Ông Hoàng Văn Lú, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy chia sẻ, đầu mùa đông, gia đình đã thực hiện vệ sinh chuồng trại, không để gây nên mầm bệnh. Gia đình còn chuẩn bị sẵn thức ăn tinh là bột ngô, sắn, cám gạo…; gia đình còn làm lại chuồng, che chắn bạt, bao dứa ở những vị trí bị gió lùa, mưa hắt, đảm bảo chuồng luôn đủ ấm. Nhiều nhà ở khu vực xung quanh đều làm các biện pháp chống rét cho trâu bò như vậy. Người dân đã chủ động hơn rất nhiều so với trước kia, không còn lo lắng khi nhiệt độ xuống thấp.

Tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nơi có khí hậu mùa đông khắc nghiệt, thường xảy ra rét đậm, rét hại và sương muối, để giúp người dân bảo vệ đàn gia súc, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch phòng chống rét cho trâu, bò và các vật nuôi khác.

Đến nay, 100% hộ có trâu bò ở xã đều đã che chắn chuồng trại cẩn thận, chủ động lùa gia súc trên nương, rừng về nhà. Bà con còn trồng thêm cỏ voi và tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng cho trâu bò trong mùa đông.

Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn Dương Chồng Mình cho biết, do đặc thù địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, dân cư các thôn bản sống rải rác, không tập chung, vậy nên việc kết hợp tuyên truyền phòng chống rét cho vật nuôi luôn là một nội dung trong các cuộc họp thôn bản. Bà con đã tự nhận thức được trâu bò là tài sản có giá trị của gia đình nên không còn việc chăn thả tự nhiên trên đồi rừng. Vài năm trở lại đây, xã Mẫu Sơn không có trâu bò chết do đói rét.

Lạng Sơn hiện có khoảng 123.900 con trâu bò. Không chủ quan trước diễn biến bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, đơn vị chức năng... tăng cường dự báo, thường xuyên cập nhật diễn biến gió mùa Đông Bắc, rét đậm, rét hại và thông tin cho người dân, nhất là vùng núi cao tăng cường phòng chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi; thành lập Đoàn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, chống rét cho thủy sản và gia súc, gia cầm. Các  khu vực  vùng  cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, cần di chuyển đàn trâu bò thả rông về chỗ nuôi nhốt để chăm sóc được tốt hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng hướng dẫn, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, nông dân tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc cũng như chăn thả tự do bên ngoài mà phải nuôi nhốt tại chuồng có quây bạt, giữ ấm tránh gió lùa.

Đồng thời, bổ sung chất tinh bột, khoáng, vitamin, cho uống nước ấm, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Mỗi hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò cần thiết phải có một cây rơm, rạ để đảm bảo đủ thức ăn trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Thời gian tới, Lạng Sơn vẫn duy trì nền nhiệt độ thấp, cơ quan thú y tỉnh khuyến cáo, nhiệt độ thấp sẽ khiến gia súc dễ bị bệnh cước chân, sưng phù, trường hợp bệnh nặng là chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng. Khi đó, các đơn vị chăn nuôi, hộ gia đình cần báo ngay cho thú y viên cơ sở để có biện pháp điều trị phù hợp.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: