Lũ lụt lịch sử làm dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp

Đăng ngày: 15-07-2020 | Lượt xem: 1282
"Một trong những lí do chính để xây đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành, Trung Quốc lại có lũ lụt cao nhất lịch sử," một chuyên gia nhận xét.

Giữa lúc thiệt hại vì mưa lũ ở Trung Quốc ngày càng tăng cao sau nhiều ngày thời tiết cực đoan, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về vai trò gây tranh cãi của siêu đập Tam Hiệp - công trình kiến trúc khổng lồ vốn được thiết kế để kiểm soát nguồn nước ở sông Dương Tử.

Vào thời điểm mưa lớn vượt mức lịch sử, Bắc Kinh cho biết con đập thủy điện lớn nhất thế giới đã giúp làm giảm đỉnh lũ, hạn chế tối đa tổn thất kinh tế, giúp tránh được tối đa thiệt hại về người và tiết kiệm được công sức sơ tán khẩn cấp.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng mực nước cao trên sông Dương Tử và các hồ lớn cho thấy đập Tam Hiệp đang không "hoàn thành nghĩa vụ" theo như mục tiêu ban đầu.

David Shankman, một nhà địa lý học tại Đại học Alabama chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc, cho biết: "Một trong những lí do chính để xây đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành, Trung Quốc lại có lũ lụt cao nhất lịch sử. Nguyên nhân ở đây là đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn những tình huống nghiêm trọng như vậy."

Lũ lụt lịch sử làm dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

 Ye Jianchun, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, nói kế hoạch xả lũ chi tiết từ các hồ chứa, đặc biệt tại đập Tam Hiệp, đã giúp kiểm soát lũ lụt một cách hiệu quả trong năm nay.

Ông Ye cho biết 64,7 tỉ m3 nước đã được chứa trong 2.297 hồ chứa, bao gồm 2,9 tỉ m3 chứa tại đập Tam Hiệp.

Công ty điều hành Dự án Đập Tam Hiệp cũng cho biết dòng nước xả xuống hạ lưu đã giảm một nửa từ ngày 6/7, "giảm một cách hiệu quả tốc độ và mức nước tăng ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử". Tổng lượng nước ở đây đã đạt 88% sức chứa của các hồ chứa.

Tuy nhiên, một số vùng ở Dương Tử, bao gồm các nhánh sông và hồ lớn như hồ Động Đình và hồ Bà Dương vẫn có mực nước cao kỉ lục.

Fan Xiao, một nhà địa lý học Trung Quốc, cho rằng khả năng chứa của đập Tam Hiệp chỉ chiếm ít hơn 9% lượng nước lũ trung bình.

"Đập này chỉ có thể can thiệp một phần và trong thời gian ngắn đối với lũ ở thượng lưu. Nó không thể nào ngăn được lũ gây ra bởi mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử," ông nói.

Ông cho biết dự án đập Tam Hiệp và các đập lớn khác có thể khiến nước lũ trở nên tệ hơn khi thay đổi các dòng bồi tích ở dưới sông Dương Tử. Ngoài ra, nhu cầu sản xuất thủy điện cũng làm giảm năng lực kiểm soát lũ của đập.

"Khi quá quan tâm tới việc sử dụng hồ chứa để kiểm soát lũ, chúng ta thường bỏ qua hoặc làm yếu đi năng lực tự nhiên của sông hồ trong việc kiểm soát lũ lụt," ông nói.

Trong khi đó, ông Shankman cho biết đập Tam Hiệp giúp giảm lũ lụt trong những năm bình thường, nhưng khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra, vấn đề lại trở nên nghiêm trọng hơn.

"Đập Tam Hiệp không đủ khả năng để tạo ra những thay đổi rõ rệt khi các trận lũ nguy hiểm nhất xuất hiện," ông nói.

Theo toquoc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: