Nâng cao kỹ thuật hộ đê và phòng, chống lụt bão

Đăng ngày: 09-12-2021 | Lượt xem: 1717
Công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu, hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra.

Hội nghị "Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, ngày 8/12.

Ngày 8/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị "Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận thông tin, thời gian vừa qua, tình hình mưa lũ cực đoan đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó lũ lụt tại châu Âu được đánh giá là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong gần sáu thập kỷ (làm 188 người chết, hàng nghìn người phải sơ tán).

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc. Thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ ngày 27/11 đến 30/11, khu vực miền trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 500-700mm; Bình Định, Phú Yên mưa phổ biến 400-600mm. Lũ lớn gần mức lịch sử đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mưa lũ đã làm 17 người chết, mất tích; 969 ha lúa, 951 ha hoa màu bị thiệt hại.

Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra hơn 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy, thành phố Hà Nội, sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình…

Theo ông Luận, thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra; kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến thoát lũ, bảo đảm an toàn đê điều.

Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều được đánh giá là rất quan trọng và cần thiết. Hằng năm, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tổ chức trực tiếp Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, các địa phương đã thảo luận về xu thế thời tiết và tình hình thiên tai bão, lũ những tháng đầu năm 2022; các bài học kinh nghiệm về công tác quản lý trong thời gian vừa qua, trao đổi về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, sẵn sàng cho mùa mưa lũ tiếp theo… nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ đê an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Nguồn: nhandan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: