Nghệ An: Lở núi làm sập nhà dân, uy hiếp tỉnh lộ

Đăng ngày: 28-10-2021 | Lượt xem: 1384
Sạt lở núi đã xé nát một số nhà dân ở xã Tam Thái, đồng thời đe dọa chia cắt tuyến tỉnh lộ đi vào xã Tam Hợp.

Ngày 28/10, sau trận mưa lớn, đất đá từ trên núi lại tiếp tục tràn xuống căn nhà của các hộ dân ở bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Không chỉ đe dọa nhà dân, lở núi còn gây ra nguy cơ chia cắt tuyến đường độc đạo dẫn vào xã Tam Hợp. Ảnh: Tiến Hùng

Vụ lở núi bắt đầu từ rạng sáng 18/10. Kể từ đó đến nay, hàng nghìn khối đất đá vẫn tràn xuống nhưng với tốc độ chậm hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Đất đá đã ngập cao hơn 1 mét căn nhà của ông Lô Văn Minh (53 tuổi). Vợ chồng ông phải đến tá túc tại nhà người thân suốt 10 ngày nay. Trong căn nhà khá khang trang, mọi tài sản cũng đã được đưa đi sơ tán. Ở một góc nhà, bức tường kiên cố đã bị khối đất đá sạt xuống, xé nát. Ảnh: Tiến Hùng

Ngôi nhà của ông Minh nằm sát tuyến đường đi xã Tam Hợp. Phía sau lưng là dãy núi cao sừng sững. Ông Minh kể rằng, từ xưa đến nay, khu vực này chưa hề xảy ra sạt lở núi. Tuy nhiên, khoảng 3h sáng 18/10, sau trận mưa kéo dài nhiều ngày, đất đá từ trên núi bắt đầu đổ xuống. “Đầu tiên là một tiếng nổ khá lớn, đánh thức vợ chồng tôi”, người đàn ông vẫn chưa hết bàng hoàng kể. Vợ chồng ông Minh lập tức hô hoán hàng xóm. Ban quản lý bản cũng ngay lập tức phát loa thông báo kêu gọi người dân đến hỗ trợ ông Minh và những hộ có nguy cơ bị sạt lở vận chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Tiến Hùng

Không lâu sau, hàng nghìn khối đất đá tràn xuống, làm đổ một góc căn nhà ông Minh, rồi tràn xuống đường. Ảnh: Tiến Hùng

Tài sản của gia đình ông Lô Văn Minh đã được vận chuyển sang gửi nhà khác. Ảnh: Tiến Hùng

Đất từ trên núi sạt xuống vẫn còn nhão nhoét. Ảnh: Tiến Hùng

Tràn xuống uy hiếp tuyến đường độc đạo đi xã Tam Hợp. Nếu không có biện pháp xứ lý, nguy cơ xã Tam Hợp sẽ bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: Tiến Hùng

Nói về nguyên nhân lở núi, các hộ dân ở đây cho biết: “Phía trên núi trước đây là rừng nguyên sinh. Nhưng khoảng 6 năm nay, chính quyền giao đất rừng cho các đoàn thể để phát hết nhằm lấy đất trồng ngô, trồng sắn. Từ đấy, không có cây lớn để giữ được đất nữa. Một năm trước cũng đã xuất hiện lở núi rồi, nhưng chưa nghiêm trọng lắm. Lần này mới nguy hiểm”, ông Lô Văn Minh nói. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Lô Hoài Thông (72 tuổi), đứng trên khu vực mà trước đó là căn nhà gỗ 3 gian của mình. Theo ông Thông, dù sinh ra ở vùng đất này, nhưng ông chưa từng chứng kiến cảnh tượng lở núi như thế này bao giờ. Ảnh: Tiến Hùng

Vợ chồng ông Thông nhiều ngày nay đành phải ở tạm trong căn lều lâu nay dùng làm nhà bếp. Ảnh: Tiến Hùng

Theo Báo Nghệ An

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: