Nghệ An và Hà Tĩnh ra công điện chỉ đạo ứng phó với bão Podul

Đăng ngày: 28-08-2019 | Lượt xem: 1169
Trước diễn biến của cơn bão Podul đang đi vào biển Đông và hướng vào bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ra công điện các sở ngành, địa phương, công ty thủy lợi chủ động đối phó với cơn bão Podul (cơn bão số 4) và mưa lớn.

Công điện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nêu rõ, đề nghị Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các công ty thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan nhanh chóng thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; Phía Đông kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông và được điều chỉnh theo các bản tin dự báo.

Nghệ An và Hà Tĩnh ra công điện chỉ đạo ứng phó với bão Podul - ảnh 1Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển.

Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.  

 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 27/8/2019 diện tích lúa hè thu trên toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được 15.990/43.522ha (đạt 36,7%), trong đó nhiều địa phương có diện tích lớn, như: Can Lộc 9.138ha, Thạch Hà 7.633ha, Cẩm Xuyên 8.961ha, nhưng diện tích thu hoạch còn thấp (Can Lộc đạt 16,4%, Thạch Hà 40,6%, Cẩm Xuyên 20,1%). Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Podul và mưa lớn xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa vụ hè thu đã chín, nhất là các địa phương có số diện tích lớn, diện tích ngoài đê La Giang, vùng thấp trũng dễ bị ngập úng. Tuyệt đối không để lúa hè thu đã chín bị ngập khi mưa, lũ xảy ra. Chủ động các phương án, điều kiện cần thiết để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới.

Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi tổ chức kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mực nước để chủ động vận hành hệ thống đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thiểu diện tích ngập úng, nhất là diện tích lúa hè thu. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, nhất là các hồ chứa nước theo phương án đã duyệt, vừa đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo tienphong.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: