Người dân vẫn phải hát “em ơi Hà Nội”... ngập

Đăng ngày: 03-06-2020 | Lượt xem: 5042
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện những “điểm đen” úng ngập vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để. Mùa mưa năm nay, người dân Hà Nội có lẽ vẫn tiếp tục “sống chung” với úng ngập cùng với cảnh tắc đường.

 Năm 2020, người Hà Nội lại tiếp tục đối mặt với ngập lụt

 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, 22 công trình cải tạo thoát nước đã thi công xong và đưa vào phục vụ thoát nước. Tuy nhiên, một số trạm, công trình trên hệ thống thoát nước đã vận hành nhiều năm, tiềm ẩn nhiều phát sinh sự cố. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển đô thị hóa cao dẫn đến hệ thống hạ tầng không theo kịp.

Phần lớn các dự án xây dựng trên đất nông nghiệp làm giảm hệ số thấm tự nhiên kết hợp với sự chưa đồng bộ của hạ tầng đã dẫn đến úng ngập. Mùa mưa năm 2020, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 11 điểm úng ngập với cường độ mưa trong khoảng 50-100mm/2 giờ. Ngoài các điểm ngập cục bộ tồn tại do mới tiếp nhận bàn giao các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, 4 trọng điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), phố Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp được Công ty thoát nước nhận định tiếp tục là trọng điểm úng ngập mùa mưa năm nay do các dự án cải tạo thoát nước chưa được triển khai thi công. Tại “điểm đen” úng ngập Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, hiện đang mở rộng đường, tuy nhiên hướng thoát nước chính ra đường Nguyễn Trãi còn kém nên năm nay điểm này vẫn sẽ ngập úng khi mưa bão.

Để giải quyết tình hình trước mắt, Công ty sẽ bố trí lực lượng ứng trực khi xảy ra mưa bão. Trong khi đó, khu vực Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, nút giao An Khánh, hầm chui 3, 5, 6km 9 +655), cuối năm 2019, Công ty đã tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến mương tiêu thoát, nhưng do đặc điểm tiêu thoát nước hoàn toàn bằng tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ nên khi chưa thể kiểm soát một cách chủ động. Cũng theo nhận định của Công ty, năm ngoái, một số cơn mưa lớn với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ, năm nay tình trạng này sẽ vẫn tái diễn. Cùng với đó, hiện có 37 công trình, dự án đang thi công và dự kiến có 13 công trình, dự án sẽ triển khai thi công trong mùa mưa năm nay cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc thoát nước mùa mưa.

 Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã sẵn sàng ứng trực cho mùa mưa năm nay

Hiện nay, các khu đô thị trong nội thành đã hoàn chỉnh việc kết nối ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước xung quanh nhưng vẫn có một số khu đô thị việc tiêu thoát nước phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi, điều tiết tưới tiêu nên bị úng ngập do hệ thống máy bơm đẩy nước ra chưa đáp ứng tốt. Trong đó, khu vực Tây Nam thành phố, việc tiêu thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào sông Nhuệ tự chảy. Khu vực quận Long Biên cũng hoàn toàn tự chảy và phụ thuộc và mực nước sông Cầu Bây và thường xuyên ngập úng mỗi khi mực nước sông dâng cao. Thực tế này dẫn đến việc vận hành các xe bơm di động hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời để làm tăng thời gian tiêu thoát chứ không phải là giải pháp triệt để. Do đó, theo lãnh đạo Công ty, giải pháp lâu dài là xây dựng các công trình hồ chứa hoặc bơm cưỡng bức để chuyển nước sang các hồ chứa hoặc cống thoát nước khác trong khu vực.

Hà Nội còn 15 điểm úng ngập tồn tại từ lâu và năm 2019 cơ bản đã giải quyết được 4 điểm là Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Thanh Đàm và Trường Chinh. Hiện còn 11 điểm úng ngập cố hữu và sau khi các dự án hoàn thành sẽ xóa được 4 điểm, còn 7 trọng điểm úng ngập chưa có dự án giải quyết. Trong đó, để xử lý dứt điểm trọng điểm úng ngập trên phố Nguyễn Khuyến, trong năm 2020 Ban Quản lý dự án quận Đống Đa sẽ triển khai thi công xây dựng bể điều tiết ngầm trong khuôn viên trường THCS Lý Thường Kiệt. Với công suất trữ nước khoảng 2000m3, hồ chứa sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể áp lực của hệ thống cống, từ đó giảm thiểu úng ngập trên phố Nguyễn Khuyến cũng như trong khu vực. Để giải quyết điểm úng ngập tại ngã 5 Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa một dự án hồ chứa bằng công nghệ Crosswave của Nhật Bản trước cửa chợ Hàng Da cũng đang được nghiên cứu, đề xuất triển khai trong năm 2021. Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng các hồ chứa ngầm trong việc điều tiết nước mưa, chống úng ngập cho một số điểm úng ngập cục bộ như ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Nguyễn Khuyến… là khả thi, góp phần giải quyết úng ngập khi mưa tại các khu vực này.

Để giúp việc thoát nước được vận hành tốt, bên cạnh công tác tiêu thoát nước khi mưa, việc khơi thông định kỳ dưới lòng cống nhỏ và cũ của Hà Nội hiện cũng đơn giản hơn nhờ sử dụng công nghệ. Công nhân của Công ty sử dụng robot mang theo camera xoay 360 độ sục sâu vào lòng cống để quan sát rác, khơi thông vật cản dòng chảy, từ đó việc sục xả sẽ được tiến hành để đảm bảo lòng cống thông suốt thay vì trực tiếp dầm mình dưới dòng nước đen kịt. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của 12 quận đã được số hóa và cập nhật lên bản đồ hệ thống thoát nước trên nền tảng GIS. Các thông số cơ bản của hệ thống thoát nước được cập nhật đầy đủ và là cơ sở để kiểm soát, đánh giá khả năng úng ngập cũng như lên kế hoạch duy tu, quản lý và lập dự án cải tạo các công trình chống úng ngập cục bộ. Cùng với đó, phần mềm HSDC Maps cũng đã giúp người dân Hà Nội sớm phòng tránh các khu vực ngập úng, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như những ẩn họa khi di chuyển trong thờ điểm thời tiết không thuận lợi.

Theo baovanhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: