Nhà phao bè nâng vùng lũ lên

Đăng ngày: 09-12-2021 | Lượt xem: 4299
Là vùng đất ngập sâu và người dân luôn chạy lên núi tránh lũ thì bây giờ, xã Tân Hóa đã bình an khi lũ ngập mái nhà nhờ nhà phao bè…

Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) cho biết: “Toàn xã Tân Hóa có hơn 700 hộ dân với  trên 3.000 nhân khẩu. Trong đó, các hộ gia đình cơ bản đều làm nhà phao bè, hiện xã có 620 nhà nên khi lũ lớn cũng yên tâm hơn”.

Vùng ngập lũ sâu nhất

Tự bao đời nay, người dân xã Tân Hóa đều “tự hào” mà nói rằng đây là rốn lũ của cả đất nước. Ông Đinh  Văn Thắng  (80 tuổi, ở Tân Hóa) cho hay, năm nào cũng có lũ. Cứ mưa là lũ về. Lũ cao vượt lên mái nhà. “Có năm, nóc nhà còn ngập sâu trong lũ đến hơn 2 m. Rứa thì có nơi mô lũ hơn vậy không”- ông Thắng nhớ lại.

Lũ ngập đến đâu, nhà phao bè nổi đến đó. Ảnh: T.P

Lũ ngập đến đâu, nhà phao bè nổi đến đó. Ảnh: T.P

Do địa thế của Tân Hóa là nằm giữa thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi. Nước từ thượng nguồn đổ về khi mưa lớn thì làng xã mau chóng ngập trong biển nước. Nhiều cái chết thương tâm vì mưa lũ. Có những năm, mưa lũ về đến 4-5 lần. Nước lũ dùng dằng không rút, ngâm cả tháng trời. Cây cối, hoa màu chết úng rũ lá. Vì vậy mà người dân Tân Hóa phải “sống chung với lũ”. Trẻ con lên 4, lên 5 là đã biết bơi lội trong lũ. Nhà gỗ được làm cao hơn vùng khác và có mái rầm để tránh lũ. Trên mái ngói, hai đầu hồi được trổ cửa xem như cửa thoát hiểm. Khi lũ ngập nhà thì lên rầm sinh sống. Khi lũ ngập mái nhà thì ra ở cửa đầu hồi xuống đò bơi lên núi.

Theo kinh nghiệm, cứ đến qua nửa tháng 7, đầu tháng 8 (âm lịch) là người dân Tân Hóa rục rịch chuẩn bị chống lũ. Bà con lo gạo, thực phẩm, củi lửa… để dự phòng cho cả tháng trời. Nhiều gia đình vào rừng chặt cây chuối lớn mang về kết bè để đi lại và chống lũ lớn. Những vạt đất cao ở phần chân núi cũng được chọn để làm nơi đóng lán trại sinh sống và nuôi nhốt trâu, bò, vật nuôi trong những ngày lũ vượt mái nhà.

Vững lòng khi lũ lớn

Từ những chiếc bè phao kết bằng thân cây chuối, cây bương rừng rừng, người dân Tân Hóa đã sáng tạo nên  kiểu “nhà vượt lũ” để an tâm trước mỗi mua lũ đến. Ồng Cao Thanh Đá, một người già của vùng lũ cho biết, kể từ năm 2010, lụt ngập rất sâu, một số gia đình dùng thùng phi, phao kết chắc lại rồi lướt ván sàn lên. “Bây giờ ngập nhà có rầm (gác rầm sát mái nhà), ngập rầm có nhà phao bè, cho nên đảm bảo an toàn cho người và tài sản”- ông Đá nói.

Nhà tránh lũ được thiết kế và làm khá kiên cố. Bên dưới được kết, đỡ bằng hàng chục thùng phi nhựa. Sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ. Xung quanh mái được chắn, lợp bằng tôn. Mỗi nhà phao có diện tích trên 20 m2 (tùy theo điều kiện kinh tế từng gia đình mà thiết kế rộng hay hẹp). Khi nước lũ dâng cao tới đâu thì ngôi nhà cũng nổi lên theo.  Cũng nhiều gia đình làm nhà phao rộng, có phòng ngủ riêng, có nơi bán hàng. Khi không có lũ, nhà được sử dụng như một quầy bán hàng tạp hóa. Khi lũ lên, cũng thành nơi sinh hoạt của cả nhà và phục vụ hàng hóa cho bà con. Nhà phao bè thường nằm ở vị trí trước sân nhà, sát với nhà lớn, cũng là nơi chứa những vật dụng khi cần.

Nhà phao bè (bên phải) nổi cạnh ngôi nhà bị ngập đến mái ngói. Ảnh: T.P

Nhà phao bè (bên phải) nổi cạnh ngôi nhà bị ngập đến mái ngói. Ảnh: T.P

Ông Cao Ngọc Châu (xã Tân Hoá) cho biết, mỗi nhà phao bè có giá thành từ 30 - 60 triệu đồng. Ngôi nhà như chiếc áo phao cứu mạng của bà con. “Có nhà phao bè, bà con chủ động đối phó, nếu lũ kéo dài nhiều ngày thì người dân có thể nấu ăn, sinh hoạt và nghỉ ngơi ngay trên nhà chống lũ”- ông Châu giảng giải.

Trong đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020, cả xã Tân Hóa như một biển nước. Lũ dâng cao 4-6 mét, vượt qua mái nhà lớn. Nhưng chuyện ngập cũng chẳng mấy gây khốn khó cho người dân ở đây.

Ông Trương Văn Thành (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hoá) ngồi trong nhà phao nhìn ra ngóng theo dòng lũ. Mấy hôm trước, mưa liên tục làm nước dâng cao ngập hết các khe suối, giao thông bị chia cắt. Sợ nước lũ bất ngờ đổ về trong đêm, ông thu dọn hết đồ đạc chuyển đến nơi khô ráo. Riêng đàn gia súc, gia cầm, ông Thành lùa lên xe để chở đi lánh nạn ở lán trại trên núi cao. Còn áo quần, thuốc men, nhu yếu phẩm, củi đun… ông đưa lên cất ở nhà phao tránh lũ. “Trời mưa gió, nước lũ lên nên gia đình đưa đồ lên nhà chống lũ. Mấy đứa nhỏ thì đã đưa lên khu trại cao trên núi. Trên đó có chỗ ở, ăn uống sinh hoạt bình thường. Nên giờ, lũ có lên cao mấy cũng chẳng sao hết”- ông Thành tự tin

Căn nhà phao của ông Trương Xuân Tâm (ở thôn Yên Thọ, xã Tân Hóa) đang nổi lên theo con nước lũ, cách mặt đất hơn 4m. “Hôm trước, thấy trời mưa lớn, có khả năng gây lũ lớn nên gia đình tôi đem những vật dụng có giá trị và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và yên tâm sinh sống trong những ngày mưa lũ này”, ông Tâm tự tin.

Để sinh hoạt thoải mái, ông kết thêm một phao bè nữa rồi cho tủ bàn, xe máy, xe đạp điện của con lên đó rồi chằng néo cẩn thận. Làm xong ông bảo: “Lũ cao mấy cũng chẳng ngán. Lũ hạ rút thì tháo dỡ ra thôi. Hôm qua, mấy người trong thôn còn bơi thuyền đến đây ngồi uống trà nữa mà”.

Không chỉ là mọi người dân chủ động phòng tránh lũ, chính quyền xã Tân Hóa cũng đã đưa vào nghị quyết hàng năm về nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Lãnh đạo xã đã đi khảo sát những vùng đất cao sát chân núi rồi đầu tư làm nền móng chắc chắn để khi mưa lũ là che lều bạt di dời nhân dân lên tránh lũ an toàn. Ngoài ra, có những vùng được quy hoạch để làm nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Những nơi đó có đường lên núi để người dân tranh thủ bứt cỏ, chặt lá cho trâu bò ăn. Toàn xã có 6 thôn thì đều quy hoạch 6 vùng rộng, cao ở chân núi để bà con đưa đàn gia súc, gia cầm lên nuôi nhốt trong những ngày lũ lớn.

Theo ông Trương Thanh Duẫn, trong lũ lớn năm ngoái, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương và người  dân Tân Hóa đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 3.000 con lên vùng cao để trú tránh lũ. “Nếu lũ ngâm hơn tháng trời thì người dân Tân Hóa phải cần cứu trợ lương thực, thực phẩm. Trong thời gian hai chục ngày thì chắc chắn không phải lo lắng việc gì”- ông Duẫn nói chắc.

Nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị được đưa lên nhà phao bè tránh lũ bè. Ảnh: T.P

Nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị được đưa lên nhà phao bè tránh lũ bè. Ảnh: T.P

Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoácho rằng, trước đây, Tân Hóa là nơi lo lắng nhất của huyện khi mưa lũ về. Đến nay, nhờ có nhà phao và chủ động tránh lũ đã cho người dân sự an tâm lớn. “Những năm qua nhà phao nổi cơ bản phát huy được tác dụng, hỗ trợ bà con phòng chống thiên tai đặc biệt là lũ lụt. Một số hộ nghèo, gia đình khó khăn được chính quyền hỗ trợ. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ, xây nhà nổi tránh lũ cho Tân Hóa và một số địa phương khác”- ông Lĩnh nói thêm.

Nhờ các nhà hảo tâm và các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ, người dân Tân Hóa đã có đủ nhà phao bè để chống lũ. Khi có lũ lớn thì nhà nào cũng đã chuẩn bị đồ đạc, quần áo, chăn màn xuống nhà phao bè để sinh hoạt. Còn lại gần trăm nóc nhà do ở vị trí sát chân núi cao nên lũ khó ngập nên không sắm nhà phao bè. Nếu  lúc ngập quá thì bà con có chỗ trú an toàn ở những điểm đã được quy hoạch làm nơi tránh lũ.

Rốn lũ Tân Hóa bây giờ đã không còn hốt hoảng khi lũ đến. Hiệu quả từ nhà phao bè cũng đã được lan tỏa ra nhiều địa phương khác. Bà con đã học tập và làm theo kiểu sáng tạo của bà con Tân Hóa mà an tâm trước mỗi mùa mưa lũ.

Nguồn: nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: