Những vùng đất hồi sinh sau lũ

Đăng ngày: 30-07-2021 | Lượt xem: 4676
Những mảnh đất, nơi tôi từng đi qua... ngổn ngang, hoang tàn sau bão lũ thì nay mầm xanh đã đâm chồi, nảy lộc - màu của sự sống, ấm no đang dần hiện hữu trên đổ nát, đau thương.

Khu TĐC bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Ảnh: Hoàng Đông

Về khu tái định cư bản Chiềng

Trận lũ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 - 2018 đã khiến 357 hộ dân xã Trung Sơn bị ảnh hưởng, trong đó có 88 nhà dân ở các bản Chiềng, Co Me bị sập hoàn toàn… Chia sẻ khó khăn của các hộ dân bị thiệt hại nhà cửa, tháng 11-2018, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam, Chi Hội tán trợ CTĐ Tình Người (Hà Nội) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà cho 84 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại xã này, với tổng trị giá chương trình là 2,52 tỷ đồng. Huyện Quan Hóa cũng huy động các nguồn hỗ trợ khác đảm bảo đủ kinh phí cho các hộ làm nhà mới. Từ đó, khu tái định cư (TĐC) bản Chiềng được gấp rút xây dựng, hoàn thành, góp phần ổn định về nhà ở cho các hộ dân.

Về khu TĐC bản Chiềng, xã Trung Sơn hôm nay, con đường bê tông dẫn đến tận bản, những mái nhà sàn, nhà cấp 4 mái ngói đỏ tươi, khang trang, vững chãi. Chiều dần buông, ánh đèn điện bắt đầu thắp sáng trong mỗi nếp nhà. Trưởng bản Chiềng Phạm Bá Liều dẫn tôi đi thăm bản, vừa đi anh vừa cho biết, bản có 4 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Thái, Mường, Tày và Kinh, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản. Năm 2018, được Đảng, Nhà nước và các “mạnh thường quân” hỗ trợ, các hộ dân ở bản Chiềng bị sập nhà, nhà có nguy cơ sạt lở do bão lũ, đều đã được về nơi ở mới. Được sống trong ngôi nhà mới bà con phấn khởi hơn, có điện thắp sáng, có nguồn nước ổn định.

Ghé thăm gia đình chị Phạm Thị Quốc (32 tuổi) ở khu TĐC bản Chiềng, có 5 nhân khẩu. Năm 2018, do bị ảnh hưởng của thiên tai, nhà cửa bị hư hỏng, thiệt hại về hoa màu, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà mới ở khu TĐC. Hiện nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 bao lúa, ngoài ra trồng thêm sắn, khai thác luồng, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống.

Trưởng bản Phạm Bá Liều chia sẻ, năm 2020 bản Chiềng được chọn làm điểm chỉ đạo trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Trung Sơn. Ngày đầu bắt tay vào thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, đảng viên trong bản đã gương mẫu đi đầu, Nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân bóng chuyền; các tuyến đường giao thông nội bản đều đã được bê tông hóa. Bản Chiềng là bản thứ 2 trên địa bàn xã Trung Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng bà con bản Chiềng luôn đoàn kết, nỗ lực để ngày càng có cuộc sống ấm no.

Ngày mới ở Sa Ná

Mỗi người dân Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) sẽ không thể nào quên trận lũ quét lịch sử vào ngày 3-8-2019 đã biến một bản làng bình yên, no ấm thành một “vùng đất chết”. Vậy mà hôm nay theo chân anh Phạm Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo về lại Sa Ná ở địa điểm TĐC mới, tôi thực sự xúc động đến ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất nơi đây. Sa Ná giờ đây là những tiếng cười con trẻ khúc khích dưới hiên nhà, những thửa ruộng, rừng luồng, rừng vầu xanh ngắt. Hoa được trồng trước hiên nhà các gia đình; nhà văn hóa, trường học cũng được xây dựng khang trang.

Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo Phạm Văn Thuật, chia sẻ: Với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực cố gắng của Nhân dân xã Na Mèo, chung tay của cộng đồng, Sa Ná đã khắc phục hậu quả sau lũ, từng bước ổn định cuộc sống. 19 ngôi nhà xây và 32 ngôi nhà sàn ở khu TĐC trên đỉnh đồi Pom Ngồ góp phần ổn định chỗ ở cho bà con. Ngày 30-6-2020, bản Sa Ná đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con Nhân dân.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Sa Ná Ngân Văn Thêu cho biết, hiện nay khu TĐC bản Sa Ná có 78 hộ với 340 nhân khẩu. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Sau cơn lũ năm 2019, Sa Ná bị trôi hoàn toàn 5,1ha đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng hoàn toàn nên bà con không thể trồng lúa, hoa màu. Trên tinh thần “tương thân tương ái” của Nhân dân trong bản và sự tuyên truyền vận động của ban quản lý bản, những gia đình có nhiều diện tích đất ruộng đã nhường đất cho những hộ bị mất đất sản xuất, cùng với đó hệ thống thủy lợi được khôi phục. Bởi vậy, năm 2021 là năm đầu tiên Sa Ná đã trồng được lúa và cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi, vừa buôn bán, trồng trọt nên đời sống bắt đầu ổn định.

154 hộ dân không còn âu lo khi mưa bão về

Mường Lát là một trong những huyện miền núi cao luôn chịu ảnh hưởng nặng nề vào mỗi mùa mưa bão. Còn nhớ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018, bão đi qua, nhiều bản ở huyện vùng biên này cũng trở nên hoang tàn đổ nát, có những bản làng gần như bị “xóa sổ” trong một đêm như bản Poọng, xã Tam Chung. Nhưng rồi, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, địa phương và những tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước, cuộc sống của người dân đã ổn định trở lại.

Sau cơn bão, nhằm sớm ổn định lâu dài đời sống Nhân dân vùng bị thiên tai, huyện đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát và lựa chọn các vị trí đảm bảo an toàn để xây dựng 3 khu TĐC, gồm: bản Poọng (xã Tam Chung), bản Qua (xã Quang Chiểu) và bản Na Chừa (xã Mường Chanh). Đồng thời, tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ dân mất nhà, phải làm lại nhà mới số tiền 75 triệu đồng.

Đầu tháng 8-2019, Mường Lát tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, gây thiệt hại nặng về người, nhà cửa, hoa màu, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp...Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, đã có 3 bản với 154 hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 năm 2019 được bố trí TĐC, gồm: bản Nà Ón (xã Trung Lý) có 54 hộ, bản Chim (xã Nhi Sơn) có 52 hộ, bản Xim (xã Quang Chiểu) có 48 hộ. Tổng diện tích 3 khu TĐC mới cho người dân vùng lũ là khoảng 9,3ha, trong đó, khu TĐC bản Nà Ón có diện tích 3,6ha; bản Chim 3,4ha, bản Xim 2,3ha.

Tại bản Chim xã Nhi Sơn, đời sống người dân ở khu TĐC mới cũng đã dần ổn định. Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn Thao Văn Lênh chia sẻ, Nhi Sơn với 98% dân số là đồng bào Mông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong 2 năm liên tục (2018-2019), Nhi Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, các hộ bị thiệt hại về nhà ở và các hộ ở vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã được đến khu TĐC mới an toàn. Bà con không phải lo lắng mỗi mùa mưa bão đến nên đã yên tâm lao động, sản xuất.

Theo Báo Thanh Hóa

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: