Phổ biến pháp luật khí tượng thủy văn: Cần đi vào chiều sâu

Đăng ngày: 27-06-2019 | Lượt xem: 1089
Tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp Luật Khí tượng thủy văn năm 2019 và tăng cường hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực miền Trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái đánh giá, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV cần đi vào chiều sâu hơn nữa.
nh 3
Miền Trung là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai

Thiếu chia sẻ thông tin

Trong bối cảnh các hiện tượng thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ của một số loại thiên tai có dấu hiệu gia tăng một cách đáng quan ngại như các trận siêu bão, lũ lụt… việc luật hóa xây dựng hành lang pháp lý, tạo ra bước thay đổi quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia, phục vụ nhu cầu về các thông tin KTTV vô cùng cần thiết đối với cộng đồng và mỗi người dân.

Năm 2016, Luật KTTV ra đời và được cụ thể hóa thi hành ở các địa phương và đạt được một số kết quả nhất định; bên cạnh đó, cũng có những vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho rằng, Luật KTTV đã ra đời được 3 năm nhưng quá trình triển khai Luật tại các địa phương ở miền Trung còn hạn chế. Đầu tiên là hạn chế trong công tác tuyên truyền phổ biến Luật, sự chia sẻ thông tin của ngành KTTV. Tiếp đến, lực lượng quản lý nhà nước về KTTV tại các địa phương rất mỏng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành dọc là Tổng cục KTTV và các Đài KTTV tỉnh, Đài KTTV khu vực với các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tuyên truyền “sâu, rộng”

Là một trong những địa phương ở miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai hàng năm, Chi Cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước, Sở TN&MT Hà Tĩnh Phạm Hữu Tình chia sẻ, công tác KTTV trên địa bàn Hà Tĩnh hiện còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV còn hạn chế về chiều sâu; nhận thức pháp luật về KTTV của người dân chưa cao.

Theo ông Phạm Hữu Tình, để tăng cường hoạt động KTTV ở miền Trung, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật KTTV dần hướng tới chiều sâu rất quan trọng. Cùng với đó, phải có cơ chế chia sẻ số liệu KTTV từ Đài KTTV khu vực để các Sở TN&MT cũng như các Sở, ngành địa phương có số liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị, tại mỗi địa phương, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV mỗi tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Đồng thời, các tỉnh cũng cần có sự hỗ trợ, kết nối đối với các Đài KTTV.

Đồng thời, cần thiết đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách trong lĩnh vực KTTV. Trong đó, cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước (khu vực miền Trung)…

“Cần coi thông tin khí tượng thủy văn là thông tin nền tảng, hạ tầng để quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hình thành thị trường dịch vụ KTTV để phục vụ các địa phương” - ông Trần Hồng Thái khẳng định.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: