Phòng, chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

Đăng ngày: 27-09-2020 | Lượt xem: 1415
Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, khu vực miền núi của tỉnh liên tục hứng chịu những trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.

Khu tái định cư Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) được xây dựng, giúp 51 hộ dân bản Sa Ná ổn định đời sống.

Huyện Mường Lát có địa hình phức tạp, lại liên tục hứng chịu nhiều đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Để làm tốt công tác di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thời gian qua, huyện Mường Lát đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến nơi ở mới. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Mường Lát đã di dời được gần 100 hộ dân đến các khu tái định cư (TĐC) mới, nâng tổng số hộ đã được di dời đến nơi an toàn từ năm 2018 đến nay lên 200 hộ. Tuy nhiên, hiện huyện vẫn còn 91 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở do mưa lũ với 136 điểm dễ bị lũ ống, lũ quét. Để tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn, huyện Mường Lát đang tập trung xây dựng phương án, tìm quỹ đất và các nguồn vốn để nhanh chóng di dời các hộ dân tại các khu vực này đến nơi an toàn.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các khu vực ảnh hưởng thiên tai, như: Dự án quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; phương án “Khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, đe dọa đến tính mạng con người, phương án bố trí quỹ đất và kế hoạch cụ thể di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”... và 11 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các vùng ảnh hưởng thiên tai ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Lang Chánh, Thạch Thành, Như Xuân, Nông Cống, vùng ngập hồ Yên Mỹ (Tĩnh Gia), vùng ngập hồ sông Mực (Như Xuân).

Đến nay, đã bố trí, sắp xếp, ổn định được 2.533 hộ, trong đó TĐC tập trung 58 hộ, xen ghép 1.389 hộ, ổn định tại chỗ 1.086 hộ; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu đưa vào sử dụng, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng, như: Công trình TĐC cho 42 hộ dân ở bản Sim, xã Quang Chiểu (Mường Lát); công trình kè bờ sông Mã ở xã Hồi Xuân (Quan Hóa) đã ổn định tại chỗ cho 32 hộ dân; công trình kè bờ sông Mã tại xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy), ổn định tại chỗ cho người dân ở hai thôn Kim Mẫm 1, Kim Mẫm 2... Ngoài ra, bằng nguồn vốn xử lý khẩn cấp hậu quả mưa lũ, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn làm chủ đầu tư xây dựng 13 khu TĐC tập trung cho 555 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ từ ngày 28 đến 31-8-2018 và ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2019, như: Các khu TĐC tập trung tại các bản Na Chừa, xã Mường Chanh; bản Pọng, xã Tam Chung; bản Qua, xã Quang Chiểu; bản Nà Ón, xã Trung Lý; bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát). Khu TĐC tập trung ở các xã Trung Sơn, Trung Thành, Nam Tiến (Quan Hóa); khu TĐC tập trung ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn). Nhờ vậy, đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra, người dân yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Theo rà soát, trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 11 huyện miền núi còn khoảng 4.752 hộ dân cần phải bố trí, sắp xếp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề xuất đầu tư công trung hạn lĩnh vực bố trí dân cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất với các bộ, ngành, Trung ương. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa dự kiến đầu tư 33 dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách tại 33 điểm trên địa bàn 11 huyện miền núi, với quy mô 1.766 hộ, trong đó di dời tập trung 793 hộ tại 18 điểm, xen ghép 498 hộ, ổn định tại chỗ 475 hộ, với tổng mức đầu tư dự kiến 611.122 triệu đồng.

Theo baothanhhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: