Quảng Nam dựng nhà cho người dân vùng thiên tai

Đăng ngày: 14-04-2021 | Lượt xem: 1418
Những ngày này tại Quảng Nam, chuyện đòi lại tiền hỗ trợ xây nhà cho người nghèo xôn xao dư luận. Vậy, cụ thể ra sao?
Những ngôi nhà mới được xây dựng sau vụ sạt lở đất ở Nam Trà My (Quảng Nam).

Những ngôi nhà mới được xây dựng sau vụ sạt lở đất ở Nam Trà My (Quảng Nam).

Năm 2020, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hứng chịu thiệt hại nặng nề, sạt lở đất khiến hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trận sạt lở núi kinh hoàng xảy ra vào ngày 28/10/2020 ở xã Trà Leng khiến 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 13 người chưa tìm thấy.

Cũng trong ngày 28/10 tại xã Trà Vân xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân khẩn trương phối hợp với người dân đào bới tìm kiếm cứu được 7 người còn 8 người tử vong.

“Ngoài 10 ngôi nhà bị vùi lấp thì tại nóc Ông Sinh còn có hơn 40 hộ đang nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở đất phải di dời gần 200 nhân khẩu. Ngay sau vụ sạt lở đất, UBND xã tìm địa điểm di dời và tìm nơi tái định cư an toàn cho người dân” - ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết: Ngay sau trận sạt lở đất kinh hoàng đến nay huyện đã làm nhà kiên cố ở cho 79 hộ bị sạt lở đất, trôi nhà cửa hoàn toàn. Chính quyền địa phương tiếp tục làm nhà ở cho hơn 700 hộ dân có nhà bị thiệt hại nặng.

Nếu như những ai đã từng đến Nam Trà My, nhất là những xã ở vùng sạt lở nặng, như Trà Leng, Trà Vân…sẽ hiểu được sự gian nan vất vả chắc chắn cùng sẻ chia nhiều với người dân và chính quyền địa phương. Việc làm nhà cho người dân, dù cấp bách đến mấy cũng không phải dễ dàng, bởi vậy chính quyền mới mượn tạm nơi công sở làm chỗ ở tạm cho người dân. Vì địa hình, địa chất ở vùng đất này luôn xảy ra sạt lở đất tìm chỗ an toàn để xây dựng nhà cho dân không hề đơn giản.

Minh chứng, ngay sau vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Trà Leng ngày 28/10, thì vào ngày 31/10, Viện Khoa học và Thủy lợi miền Trung- Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực địa tại hiện trường và đã đưa ra một số nhận định ban đầu vụ sở đất nói trên. Theo đó, “Trà Leng là khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành 1 khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 300÷ 450; 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm  trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt”.

Cùng với đó là vùng đất quanh năm gánh lấy mưa lũ, trong đó có những trận mưa lớn trên 180mm thì đất như 1 khối bùn lỏng sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra một trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn đi tất cả trên đường đi của nó tạo ra  một thảm họa như chúng ta đã biết.

Viện Khoa học và Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cũng cho rằng: Việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, hiện nay chúng ta chỉ có thế cảnh báo, xác định được các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể. Còn thống kê của Viện qua kết quả khảo sát, thì huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ sạt lở đất cao, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà  Vân, Trà Mai, Trà Don...

Nói như vậy có nghĩa, địa hình ở Nam Trà My khắc hẳn với những địa phương khác, nhất là vùng đồng bằng, do đó có tiền muốn xây nhà ngay cho người dân cũng không dễ dàng mà phải khảo sát địa hình an toàn gắn với việc mưu sinh của người dân, rồi việc san ủi mặt bằng, tập kết vật tư, đấu thầu, thi công và nhiều việc liên quan khác. Như chọn những gia đình nào, chọn ai được làm trước, có rất nhiều việc phải làm.

Trở lại với vụ gây xôn xao dư luận, thì tiền hỗ trợ của nhà hảo tâm không chuyển cho cụ thể một hộ cá nhân nào, mà vào Quỹ cứu trợ chung của huyện thì phải thực hiện theo Quy chế chi tiêu của Ban cứu trợ từ Trung ương tới địa phương. Tiếp nhận đến đâu, giải ngân, chi tiêu phải có kế hoạch, có địa chỉ…

Thế nhưng, như đã nói chỉ thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngân sách nhà nước cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, huyện đã xây được 79 ngôi nhà, cùng sửa chữa hàng trăm ngôi nhà, công sở do thiên tai gây hại, lo cái ăn, mưu sinh cho người dân đã là một núi công việc. Nam Trà My đáng được để chúng ta chia sẻ hơn.

Việc hỗ trợ của bất cứ nhà hảo tâm nào cũng đáng trân quý, nói như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam “một đồng cũng quý, lời thăm hỏi động viên cũng rất quý”. Nhưng chúng ta cần hiểu rõ vùng đất, những khó khăn của họ để chia sẻ với những người làm công tác xây dựng nhà cho người nghèo ở huyện Nam Trà My, không phải hỗ trợ xong chưa kịp triển khai thì cho rằng họ vô cảm!   

Theo báo Đại đoàn kết

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: