Sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất

Đăng ngày: 19-07-2021 | Lượt xem: 1878
Bước vào mùa mưa bão năm 2021, Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án để ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất có thể diễn ra do bão và áp thấp nhiệt đới.

 

Người dân làm du lịch cộng đồng tại bản Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến Việt Nam sẽ phải hứng chịu từ 7 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; trong đó có 5 đến 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, kéo theo mưa lũ và sạt lở đất ở nhiều địa phương và có thể gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và của.

Để đối phó với các kịch bản có thể xảy ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết đã phối hợp cùng các địa phương triển khai hàng loạt nhiều biện pháp cụ thể như thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và xây dựng điểm được 13 đội xung kích hoàn chỉnh tại các tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng miền. Đến nay, đã có 10.039/10.556 xã trên cả nước đã hoàn thành việc xây dựng và củng cố lực lượng này (chiếm 95%), với tổng số 745.768 thành viên.

Đặc biệt, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tỉ lệ lớn chi tiết cho khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực tập trung dân cư... đã được xây dựng, qua đó rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đánh giá hiện trạng dân cư; tổ chức di dời khẩn cấp, bố trí sắp xếp lại dân cư, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn kết quả triển khai có tỷ lệ còn lớn (1:50.000; 1:100.000), vùng nguy hiểm được cảnh báo còn rộng khắp gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Do vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống Thiên tai đề nghị các cơ quan chuyên môn cần xây dựng bản đồ với tỷ lệ lớn hơn, nhất là đối với khu vực đông dân cư, khu vực trọng điểm cần nghiên cứu xây dựng bản đồ với tỷ lệ tối thiểu 1:5000 để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai.

Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động ứng phó với thiên tai của mỗi người dân là vô cùng quan trọng. Theo ông Tiến, trong các tình huống khẩn cấp, người dân cần được trang bị các kiến thức cơ bản, thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai; tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng, nâng cấp, gia cố nhà cửa, mở lối thoát hiểm trên cao, bảo đảm an toàn trước lũ; tìm hiểu, nắm bắt trước các tuyến đường sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn khi có tình huống khẩn cấp…

Trong những năm vừa qua, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản cho các tỉnh miền núi trên cả nước. Tần suất xảy ra lũ quét, cũng như thiệt hại đang có xu thế gia tăng. Theo số liệu thống kê trong 20 năm trở lại đây (từ năm 2000-2020), cả nước đã xảy ra hơn 332 trận lũ quét, sạt lở đất làm 1.117 người chết và mất tích, 671 người bị thương và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng tài sản./.

Theo BaoVietNamplus

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: