Sớm khắc phục khó khăn trong sử dụng bãi sông tại Hà Nội

Đăng ngày: 06-07-2020 | Lượt xem: 1274
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn cao điểm mưa lũ cuối năm là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Việc sửa đổi các nghị định phải khắc phục được khó khăn hiện nay, trong đó có việc sử dụng bãi sông, nhất là tại TP Hà Nội.
Sáng 6/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức sơ kết công tác phòng chống thiên tai (PCTT) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, trên 43 tỉnh, TP của cả nước đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận dông, lốc, mưa lớn, 1 cơn bão trên biển Đông; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố một số tuyến kè, đê thuộc hệ thống đê từ cấp III trở lên… 
Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương. Bên cạnh đó, 1.765 nhà dân bị sập đổ, 59.961 nhà dân hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9.210 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại 879 tỷ đồng do dông lốc, mưa đá; khoảng 2.500 tỷ đồng do hạn hán, xâm nhập mặn, còn lại là do các loại hình thiên tai khác…
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai và dịch bệnh Covid-19, song 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục PCTT đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt đồng thời cả 2 nhiệm vụ, đó là quản lý nhà nước về công tác PCTT và thường trực cho Ban chỉ đạo trung ương về PCTT.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Tổng cục đã có nhiều điểm nhấn trong công tác 6 tháng qua. Đặc biệt là xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT; Luật Đê điều. Công tác trực ban đã chuyên nghiệp, chỉ đạo sát sao hơn; chủ động theo dõi diễn biến không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, tham khảo nhiều dự báo để có tính toán, chỉ đạo kịp thời, chính xác.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh thiên tai là sự vụ, nhưng để phòng ngừa thì cần tính đến tương lai, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục đồng bộ. Đây là vấn đề đã được Tổng cục quan tâm, thực hiện khá tốt thời gian qua. 
Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là giai đoạn trọng điểm của thiên tai, khối lượng công việc sẽ rất lớn. Do đó, đề nghị Tổng cục PCTT phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tham mưu kịp thời để ứng phó với thiên tai. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đặc biệt lưu ý việc sửa đổi các nghị định, hướng tới khắc phục những khó khăn hiện nay, trong đó có việc sử dụng bãi ven sông, nhất là tại TP Hà Nội.
Tổng cục PCTT cần tập trung nguồn lực, lập kế hoạch chi tiết để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện 9 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án. Trong đó, tập trung vào đề án Chiến lược quốc gia Phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050.
Nhấn mạnh phòng ngừa là câu chuyện dài, yếu tố tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, tại thời điểm hiện nay, ứng phó là quyết định. Khi phòng ngừa tốt thì ứng phó được giảm nhẹ, cần tập trung cho ứng phó.
Theo đó, cần hoàn thiện, bổ sung kịch bản lũ lớn, các kịch bản ngập lụt hạ du. Muốn ứng phó tốt phải có kịch bản tốt, dự báo tốt. Ngoài các kịch bản, cần hoàn thiện hệ thống quan trắc, đặc biệt là quan trắc chuyên ngành rất quan trọng cho ứng phó.
Cùng với đó, cần xây dựng, tập huấn tốt cho các lực lượng, đặc biệt là lực lượng trực ở các tỉnh, TP và lực lượng xung kích các cấp; Tiếp tục nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và nhận thức cộng đồng; Chú trọng truyền thông đa phương tiện. Trong đó, phải tính toán để thông tin đến được với hai đối tượng rất cần là lãnh đạo các cấp phục vụ ra quyết định và người dân yếu thế, vùng có nguy cơ cao. 
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: