Thủ tướng: Không được để nhân dân màn trời chiếu đất, đói rét

Đăng ngày: 26-10-2020 | Lượt xem: 1354
Dự kiến chiều 27/10, bão số 9 (tên quốc tế là Molave) nhiều khả năng đạt cường độ khá cao khi vào đất liền, gây ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh ven bờ miền Trung.

Hình ảnh vệ tinh cơn bão số 9 (tên quốc tế là Molave).

Để triển khai ứng phó bão Molave, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - đã có mặt và chủ trì cuộc họp.

Sau khoảng gần một giờ đồng hồ, cuộc họp kết thúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận một số nội dung đáng chú ý sau:

1. Chúng ta không được mất cảnh giác, chủ động phòng chống tốt nhất, để bão vào cũng đỡ thiệt hại cho nhân dân, địa phương còn nếu không vào thì sẽ có kinh nghiệm đối phó siêu bão cấp gió 12 giật trên 12.

2. Vị trí bão ảnh hưởng đã được xác định, đầu tiên cần cung cấp cứu nạn cứu hộ, hỗ trợ cho 5 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của các cơn bão trước (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế), tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ổn định lại cuộc sống. Các địa phương cần bám chủ trương của Chính phủ, không được để nhân dân màn trời chiếu đất, đói rét.

3. Với cơn bão số 9, gió mạnh sẽ kéo dài từ ngày 27-28, nhất là chiều 28/10. Do đó, tập trung an toàn cho người cả trên bờ, trên tàu và trên lồng bè. Cần kêu gọi tàu bè, di dời dân, đưa ngư dân lên bờ, đưa người trên lồng bè lên bờ.

Nếu chủ lồng bè không cho ngư dân lên bờ, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm. Các tàu bè cần vào bờ sớm, tránh va đập. Năm 1986, tàu vào rồi nhưng vẫn va đập, vỡ nát và chết người nên cần tránh xảy ra hiện tượng này.

Bên cạnh đó, cần di dời dân vùng thấp và ven biển, các địa phương cần có phương án phù hợp, không để người dân sát biển bị nguy hại. Sóng lớn, gió lớn, cần đảm bảo an toàn trước sóng, nước biển dâng và lũ do hoàn lưu bão.

Cũng cần phải đặc biệt lưu ý đến lũ sông, sạt lở do miền Trung đã trải qua nhiều trận mưa, nước ngâm lâu ngày nên độ bám dính của đất bị giảm đi. Ngoài ra, cần có bộ phận kỹ sư thủy lợi theo dõi các hồ đập để tính toán được phương án xả cho phù hợp.

Các địa phương cần để ý, bao quát đến tình hình mưa để đối phó với lụt.

4. Sau bão, nhiều vấn đề cứu hộ, cứu nạn cần được quan tâm, do đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần hỗ trợ nhân dân và cứu giúp người dân sau bão. Có thể sử dụng xe tăng, trực thăng để cứu hộ, cứu nạn, không để người dân bị đe dọa tính mạng.

Ngành điện cần đảm bảo năng lượng, nhất là hệ thống điện cao áp, giao thông cần đảm bảo thông suốt, địa phương cần chuẩn bị lương thực, thực phẩm, không để người dân rơi vào tình trạng đói ăn sau bão.

Các địa phương cần áp dụng tốt phương châm "4 tại chỗ", đưa ra các phương án đồng bộ, quyết liệt để đối phó với bão số 9, vì đây là cơn bão lớn, có thể đạt cấp 12, giật trên cấp 12.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành, không tổ chức họp trừ các cuộc họp lớn để tập trung đối phó với bão số 9. Thủ tướng đề nghị đề cao cảnh giác, đồng bộ, quyết liệt mới có thể đối phó được cơn bão này. Nếu chuẩn bị tốt, chúng ta hoàn toàn có khả năng giảm thiểu được thiệt hại do cơn bão số 9 này.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết:

Theo kịch bản, phải sơ tán gần 1.298.000 dân trong 7 tỉnh ven bờ miền Trung. Ngoài ra, trong tối 27/10 cần kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền, đặc biệt tàu vận tải. Cương quyết cấm biển vì cơn bão này quá lớn. Cương quyết không cho người dân quay lại lồng bè.

Các lực lượng chức năng sẵn sàng đảm bảo an toàn cho dân ở các đảo, sẵn sàng các thiết bị cứu hộ cứu nạn. Các khu du lịch ven biển cũng đã được cảnh báo.

Toàn bộ hệ thống hồ thủy lợi đã xả lũ sẵn sàng đối phó với mưa lớn, ngập lụt.

Bình Định: Thời gian qua tổng lượng mưa trên 850mm. Các sông đều dưới báo động 1.

65 hồ chứa lớn đã tích 30 – 40% dung tích, các hồ chứa nhỏ 50%. UBND tỉnh đã chỉ đạo sửa chữa các hồ chứa. Hiện nay 30 hồ chứa trong tình trạng hư hỏng.

Lúa vụ mùa đã thu hoạch xong, đã tiến hành thu hoạch hoa màu. Trên biển có hơn 6.000 tàu thuyền. Hầu như đã neo đậu an toàn. 80 tàu vẫn trong vùng nguy hiểm, đã được thông báo và đang trên đường về. Dự kiến chiều nay (26/10) sẽ về bến neo đậu an toàn.

Hiện có 1 tàu Hải Nam đang mắc cạn, thủng lỗ có nguy cơ chìm. Tỉnh đang tìm phương án kéo tàu về nơi an toàn trước khi bão vào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự, chỉ đạo cuộc họp khẩn trực tuyến ứng phó bão số 9 (bão Molave).

Tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết:

36 – 48 giờ tới, bão trực tiếp vào đất liền. Các cơ quan dự báo quốc tế đánh giá đây là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Hiện nay các dự báo quốc tế dự báo cấp 13 – 14, đi vào biển ven bờ đạt cấp 12.

Dự báo của Việt Nam, bão sẽ tập trung đi vào Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Khác cơn bão số 8 (tên quốc tế là Saudel), có khối không khí lạnh phía Bắc nên suy yếu nhanh về cường độ khi tiến vào sâu, bão số 9 (tên quốc tế là Molave) không có không khí khô lạnh, đi hướng Tây là chủ yếu nên nhiều khả năng cường độ khá cao khi tiến vào miền Trung.

Dự kiến chiều 27/10, các vùng ven bờ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Đêm 27/10 đến ngày 28/10 trên bờ chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh của hoàn lưu bão.

Cường độ lớn nên sóng rất cao 8 – 10m trên biển Đông. Cụ thể, sóng lớn tại các tỉnh và các đảo có thể đạt chiều cao 6-7m.

Ngoài ra, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn (200 – 400mm) trên phạm vi rộng, từ Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam Nghệ An đến Phú Yên.

Hoàn lưu sẽ tăng cường ẩm khiến mưa kéo dài đến 30/10, cường độ đạt tới 500-700mm. Các sông từ Nghệ An đến Phú Yên sẽ xuất hiện lũ mới, một số sông đạt báo động 3. Vì đất đã bị bão hòa từ trước nên các vùng núi sẽ có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất trong 3-4 ngày tới.

Bão số 9 mạnh tương đương bão Damrey (bão số 12 năm 2017) - cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho Khánh Hòa. Ngoài ra, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn.

Bão Damrey đã làm 123 người chết, mất tích; 134.000 nhà, trên 73.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định; ước tính thiệt hại vật chất trên 22.000 tỷ đồng.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: