Thủ tướng ra công điện chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Đăng ngày: 10-09-2022 | Lượt xem: 1498
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.

Công điện nêu rõ:

Những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh:

- Chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

- Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

5. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Tạp chí KTTV tổng hợp

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: