Thừa Thiên Huế: Có nhà phòng tránh thiên tai, dân yên tâm mùa mưa bão

Đăng ngày: 05-04-2019 | Lượt xem: 1006
(TN&MT) - Thời gian qua được sự tài trợ của các tổ chức, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai xây dựng nhà chống chịu bão, lụt cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển và đạt được nhiều kết quả nhất định. Việc có ngôi nhà kiên cố, vững chắc đã giúp người dần dần thích ứng, yên tâm chống chịu với bão, lụt…
Đại diện Dự án GCF bàn giao nhà cho các hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế
Đại diện Dự án GCF bàn giao nhà cho các hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế

Không lo mùa mưa, bão

Qua tìm hiểu của PV, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) gọi chung là Dự án GCF, được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 về xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt và Hợp phần 3 về quản lý hệ thống thông tin rủi ro thiên tai.

Dự án hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt cho các hộ dân nghèo, neo đơn tại tỉnh Thừa Thiên Huế với kinh phí hỗ trợ gần 70 triệu đồng bao gồm: nguồn tài trợ của Dự án GCF là 1700 USD/hộ (khoảng 37.630.000 đồng/hộ); nguồn vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Chính phủ để thực hiện dự án, mỗi hộ từ 12.000.000 đến 16.000.000 đồng và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội 15.000.000 đồng/hộ.

Trước những lợi ích to lớn mà dự án đem lại cho bà con nhân dân khó khăn vùng ven biển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả nhất định. 

Tính đến ngày 31/12/2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch 2018 với 135 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được xây dựng đảm bảo chất lượng cho 135 hộ thụ hưởng, tất cả đều đã được giải ngân hoàn thành nguồn 48, nguồn GCF và được gắn biển tên nhà. Nhà được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng được các Ban QLDA ở Trung ương và UNDP đánh giá cao.

Tại những căn nhà được hỗ trợ từ dự án sẽ được thiết kế gác tránh lũ
Tại những căn nhà được hỗ trợ từ dự án sẽ được thiết kế gác tránh lũ

Nhiều hộ dân được hỗ trợ tỏ ra rất vui mừng vì có được nơi trú ẩn an toàn, nhất là mùa mưa bão khó lường. Bà Nguyễn Thị Don (87 tuổi, xã Điền Môn, huyện Phong Điền) chia sẻ bà là hộ già neo đơn, chỉ sống trong căn nhà xập xệ, dột nát.

“Ngày trước nhà tôi hễ mưa là dột. Cách đây 10 năm nhà nước hỗ trợ xây dựng cho gia đình căn nhà tình thương che mưa che nắng. Giờ lại nhận được hỗ trợ từ dự án xây dựng cho căn nhà khang trang, tránh bão, tránh lũ, tôi vui và biết ơn lắm”- bà Don nói.

Bà Trần Thị Em (trú tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) phấn khởi cho biết: “Trước đây vì sống một mình nên mỗi khi mùa mưa bão đến thì tôi rất lo lắng. Việc chính quyền địa phương hỗ trợ tôi xây dựng nhà chống chịu bão, lụt khiến tôi rất hài lòng và vô cùng cảm ơn chính quyền, nhà nước đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà khang trang, kiên cố. Tôi rất mong có nhiều gia đình nữa sẽ được đón nhận niềm hạnh phúc như tôi”.

Có được sự thành công trên, Ban QLDA GCF đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ thực hiện; tổ chức hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho lực lượng thợ xây và các hộ thụ hưởng để thực hiện đúng thiết kế. Bên cạnh đó là tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng tại một số địa phương; UBMTTQ Việt Nam xã, các Đoàn thể ở cơ sở, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã động viên tinh thần, vận động đóng góp giúp đỡ các hộ nghèo trong việc xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chung của dự án.

Việc có ngôi nhà kiên cố, vững chắc giúp người yên tâm chống chịu với bão, lụt
Việc có ngôi nhà kiên cố, vững chắc giúp người yên tâm chống chịu với bão, lụt

Tích cực hỗ trợ

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ông Phan Gia Phú - Phó Trưởng phòng Hạ tầng huyện Quảng Điền cho biết, hiện nay đa số hộ nghèo đều có nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp nên để  xây dựng nhà theo quy định thiết kế mẫu thì phần lớn còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, phần lớn các hộ dân thuộc vùng thấp trũng, kinh phí để làm móng nhà là rất lớn; do vậy nhiều hộ nghèo không đủ điều kiện đã viết đơn xin rút. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo thuộc hộ già cả, neo đơn, mang bệnh nan y không có người thân hỗ trợ nên không dám vay vốn từ ngân hàng chính sách vì thế rất khó để xây dựng nhà ở theo đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến địa phương, vì vậy sự hỗ trợ của UNDP thông qua dự án GCF tại tỉnh Thừa Thiên Huế là rất thiết thực. Dự án đã góp phần hỗ trợ người dân rất lớn trong việc chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là hỗ trợ bà con nhân dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện toàn tỉnh có 571 hộ được thụ hưởng từ dự án; trong năm 2018 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Tiếp bước những thành công đó, năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng nhà chống chịu bão, lụt cho các hộ dân với 230 nhà, phần còn lại trên 200 nhà tỉnh sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tình hình xây nhà...
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra tình hình xây nhà...

Hiện nay, vấn đề lớn của Dự án khi triển khai thực hiện là danh sách các hộ thụ hưởng cần phải điều chỉnh. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện chủ động rà soát đối tượng hưởng lợi để bù vào số lượng thiếu hụt đảm bảo đúng yêu cầu của dự án theo phân bổ của UNDP cũng như tạo điều kiện cho các hộ dân ở địa phương khác tham gia dự án. Đồng thời, huy động lực lượng nhân công địa phương để hỗ trợ người dân trong việc xây dựng nhà chống chịu bão, lụt cho 230 hộ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2019; trong đó phấn đấu phải hoàn thành 70% kế hoạch trước ngày 30/6/2019.

Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Ban QLDA GCF cho hay: “Nhằm thực hiện tốt kế hoạch năm 2019, được sự nhất trí của UBND tỉnh và UNDP, Ban QLDA thành phần tỉnh đã thẩm định các hồ sơ và cho phép các hộ xin triển khai xây dựng sớm; tính đến ngày 5/3/2019, theo kế hoạch năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 75 hộ khởi công xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt; trong đó 65 hộ đã được nghiệm thu phần móng và 19 hộ đã được nghiệm thu hoàn thành nhà và đã được giải ngân vốn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu quá trình điều chỉnh lại phải hết sức công tâm, kỹ lương; vì hiện nay còn rất nhiều hộ nghèo mong mỏi có được một nguồn vốn không hoàn trả lớn như vậy để xây dựng nhà ở an toàn (từ 51 triệu đồng đến 55 triệu đồng).

“Trừ những trường hợp thuộc diện hy hữu nếu có được nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi cũng không thể triển khai được thì mới dừng triển khai. Tuy nhiên, qua đi kiểm tra thực tế tại địa phương thì có rất nhiều hộ nghèo tham gia dự án chỉ cần có thêm sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức đoàn thể, người thân, bà con xóm làng và sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì có thể xây dựng được nhà an toàn chống chịu bão, lụt. Nếu các đơn vị triển khai thực hiện không cố gắng, nỗ lực giúp đỡ cho các hộ nghèo thì sau này sẽ có lỗi với người dân”- ông Phương đề nghị.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: