Thường trực nỗi lo sạt lở mùa bão lũ

Đăng ngày: 04-11-2022 | Lượt xem: 1867
Trong số các tỉnh, thành miền Trung, Quảng Bình là địa phương luôn phải hứng chịu nhiều trận bão lũ gây thiệt hại lớn về người và của. Những năm gần đây, bên cạnh bão, lũ thì nỗi lo nguy cơ về sạt lở bờ biển, sạt lở bờ sông cũng luôn thường trực đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

Quảng Bình cần có sự phối hợp vào cuộc của các sở, ngành địa phương và hỗ trợ từ các bộ, ngành liên quan để có đánh giá và đưa ra giải pháp tổng thể, tránh tình trạng lở đến đâu đắp đến đó, sạt ở đâu dời ở đó, vừa tốn kém ngân sách địa phương và tài sản của nhân dân, vừa không hiệu quả.

Nỗi lo biển nuốt làng

Những ngày qua, người dân thôn Tân Định và thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình luôn mang tâm trạng nỗi lo sạt lở bờ biển lấn sâu vào làng. Hải Ninh là xã ven biển, bao đời nay cuộc sống người dân gắn bó với biển khơi. Bờ biển của xã trải dài hàng trăm mét tính từ bìa làng ra chân sóng. Nhưng giờ đây, sóng biển ăn sâu vào đất liền chỉ cách khu vực sinh sống của người dân và bến thuyền chưa đầy 30m. Trong đêm tối 5 cột điện chiếu sáng của làng cũng bị sóng biển ngoạm mất, chôn vùi trong cát. Nhiều người dân nơi đây cho biết, với tốc độ lấn sâu, lấn nhanh của sóng, nếu không có giải pháp thì ít lâu nữa biển sẽ ăn vào làng.

Sạt lở sông Gianh ăn sâu vào tận nhà dân ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Sạt lở sông Gianh ăn sâu vào tận nhà dân ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Vì lo sóng biển ăn sâu vào làng, nên mỗi mùa mưa bão, chính quyền và người dân xã Hải Ninh lại dùng bao bố, đóng đầy cát làm rào chắn sóng. Song sức người có hạn, những giải pháp tạm thời của người dân nơi đây cũng bị sóng đánh bại. Chủ tịch xã Hải Ninh, ông Phạm Văn Liệu cho biết, sóng biển xói mòn bờ cát lấn sâu thường vào ban đêm và những đợt gió mùa. Chính quyền địa phương đã đưa ra cảnh báo với người dân những khu vực nguy hiểm. Mới đây, người dân địa phương sáng ra bến thuyền đều giật mình khi nhiều thuyền bị sóng biển đánh cho hư hỏng, dù chiều trước đó thuyền của bà con đã được kéo lên xa so với chân sóng.

Rời Hải Ninh chúng tôi đến tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, nơi những ngày qua người dân cũng đứng ngồi không yên khi bờ biển sạt lở vào sâu gần khu dân cư kéo dài khoảng 2km. Những hàng phi lao nhiều năm tuổi luôn được xem như bức tường để ngăn sóng, chắn cát của tổ dân phố Tân Mỹ bị sóng biển đánh đổ gãy. Tuyến đường ven biển quan trọng về giao thông của làng bị cát tràn lấp gây ách tắc. Hàng chục hộ dân bị sóng biển ăn sâu vào đất liền đe dọa trực tiếp cuộc sống hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân địa phương cho biết, cách đây vài năm mỗi lần ra bờ biển người làng đi mỏi chân vì cách xa, nhưng để đề phòng sóng lở, cát bay người làng trồng phi lao, muốn ra biển phải đi qua bãi phi lao, nay thì sóng vô tận chân làng, khi triều cường đã đánh bật gốc dãy phi lao và cuốn trôi. Hàng ngày, bà con vừa lao động vừa lo lắng nỗi lo sóng biển ăn sâu vào làng.

Khi chúng tôi viết bài này thì người dân một số địa phương cũng điện cho biết thêm, bên cạnh sạt lở bờ biển xảy ra ở xã Hải Ninh và phường Quảng Phúc, thì sạt lở đang xảy ra ở xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Khu vực này bị sạt lở dài khoảng 50m, rộng khoảng 3m, làm hư hại 1 đoạn công trình kè. Cũng như sạt lở, sóng ăn sâu vào gần đất liền ở bãi biển Quang Phú, thành phố Đồng Hới, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch…

Mất nhà, mất ruộng vườn vì sông lở, đá rơi

Nếu như một số làng, khu dân cư ven biển mang nỗi lo biển xâm thực, thì một số địa phương ở vùng núi, ven sông của Quảng Bình, người dân địa phương cũng thường trực nỗi lo sông lở, đá rơi.

Trong đợt mưa bão giữa tháng 10/2022, cùng lúc 3 bản của đồng bào người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bị cô lập, chia cắt vì sạt lở núi đá chắn hết đường vào bản. Tại khu vực Cua Tay Áo, hàng chục nghìn khối đá bất ngờ từ độ cao 20-30m rơi xuống chặn hết mặt đường. Bà con người Rục ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ với khoảng gần 200 hộ với hơn 800 nhân khẩu tạm thời bị cô lập với bên ngoài. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải mất 3 đến 4 ngày mới khắc phục được vụ sạt lở để thông đường. Điều may mắn là núi đá khi sạt lở ở xa khu vực làm nhà sinh sống của bà con, đá rơi xảy ra trên đường giao thông vào ban đêm không có người qua lại.

 
Sạt lở đá núi chia cắt 3 bản của đồng bào người Rục ở Minh Hóa, Quảng Bình.

Sạt lở đá núi chia cắt 3 bản của đồng bào người Rục ở Minh Hóa, Quảng Bình.

Mỗi lần mưa bão, là nỗi lo thường trực sạt lở lại đến đối với chính quyền các địa phương và người dân ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Mới đây, UBND huyện Tuyên Hóa đã phải báo động khẩn cấp đến người dân khi sông Gianh lấn sâu và ngày một mở rộng tại thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa. Sau đợt mưa lũ, sạt lở sông Gianh đã kéo dài 50m, rộng 6m, cao 7m với khối lượng đất đá ước tính hàng ngàn m3, gây nguy cơ đổ sập nhà ông Hoàng Văn Phi xuống bờ sông bất cứ lúc nào. Sạt lở bờ sông Gianh đang đe dọa đến cuộc sống ổn định của hàng ngàn hộ dân của huyện Tuyên Hóa xảy ra ở các xã Phong Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Châu Hóa và Thuận Hóa. Mỗi đợt mưa lũ, chính quyền địa phương đều phải lập phương án di dời các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, còn nhà cửa, ruộng vườn đành phải phó thác cho thiên nhiên.

Một trong những nơi bị sông Gianh sạt lở gây thiệt hại và nguy hiểm nhất là ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Nỗi lo thường trực về sạt lở luôn canh cánh trong cuộc sống người dân nơi đây. Xã Đức Hóa có 6/11 thôn nằm dọc sông Gianh đều bị sạt lở, hàng chục hộ gia đình đã bị sạt lở vào tận nhà ở. Có hộ dân đã bị “hà bá cướp” mất nhà chỉ trong một đêm. Bãi phù sa trù phú trồng ngô, trồng rau, chăn thả trâu bò của người dân nhiều nơi giờ đã bị sạt lở hoàn toàn. Lo sạt lở sông ăn mất vườn, mất nhà nên nhiều hộ dân đã cố gắng vay mượn để xây đá, hay trồng cây kè chắn sóng nhưng giải pháp tạm thời này cũng không ngăn được sạt lở. Vì vậy hàng chục hộ dân ở các thôn Kinh Trừng, Phúc Tùng, Đức Phú xã Đức Hóa đã phải di dời khẩn cấp, khi sông đã ăn sâu vào mép thềm nhà…

Kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở để có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Theo ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Gianh và một số đoạn ven biển ở Quảng Bình đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Sạt lở đã gây thiệt hại lớn về đất đai, tài sản và tâm lý người dân. Chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân là việc làm thường trực cả trước mắt và lâu dài của địa phương và các ngành liên quan. Phương án tối ưu nhất hiện nay là vừa di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm về sạt lở, còn các điểm nguy cơ sạt lở cao thì xây kè chống sạt lở.

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/thuong-truc-noi-lo-sat-lo-mua-bao-lu-i673149/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: