Tìm ra nguyên nhân bất thường gây sạt lở đất nhiều nơi, vết nứt dài hàng trăm mét

Đăng ngày: 16-08-2023 | Lượt xem: 1227
Mưa lớn kéo dài và hoạt động của con người là 2 tác động lớn nhất khiến tình hình sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc càng nghiêm trọng hơn.

Mưa lớn kích hoạt sạt lở đất

Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT vừa tổ chức cuộc họp "Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc". Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây kích hoạt các hoạt động trượt lở đất đá xảy ra tại các khu vực miền núi Việt Nam là mưa lớn. Tuy nhiên, mưa chỉ là yếu tố kích hoạt, việc có xảy ra sạt lở hay không còn tùy thuộc vào tính chất địa hình, độ dốc, địa chất. Mỗi một nơi có ngưỡng mưa kích hoạt khác nhau, do vậy, cần nghiên cứu cụ thể ngưỡng mưa kích hoạt trượt lở cho từng khu vực, từng loại đất đá tùy theo độ thấm nước, mức độ bão hòa chảy nhão, thảm phủ...

Sạt lở, nứt đất ở nhiều nơi là điều bất thường, cần tìm hiểu đúng nguyên nhân.

Sạt lở, nứt đất ở nhiều nơi là điều bất thường, cần tìm hiểu đúng nguyên nhân.

Theo ông Sơn, khi bố trí quy hoạch dân cư, xây dựng công trình cần cân nhắc các vị trí sườn dốc có nguy cơ trượt lở đất đá cao, có kế hoạch thoát nước mặt, nước ngầm và cảnh báo người dân trong các khu vực nguy hiểm. Đối với đường giao thông, cần xem xét yếu tố ổn định của nền đường liên quan đến ảnh hưởng của nước mặt, nước ngầm trong thời gian mưa lớn, mưa kéo dài và có sự tham gia của các phương tiện giao thông tác động.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc là do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá hủy kết cấu khi bão hòa nước, nên khu vực này dễ bị trượt sạt.

Ông Trần Hồng Thái, cho hay, đối với sạt lở đất ở quy mô nhỏ thì xảy ra khá nhiều do đặc điểm địa hình chia cắt, chúng ta chưa thể thực hiện đo đạc đánh giá địa chất được tất cả các điểm như vậy, hiện nay ngành khí tượng thủy văn đang thực hiện khoanh vùng cảnh báo khi có mưa lớn, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện những vết trượt lở, sạt lở có quy mô lớn và tiềm năng là những khối sạt lở lớn có khả năng đe dọa những khu dân cư và những công trình giao thông, các hồ thủy điện, thủy lợi. Về điểm này, việc cần thiết là tổ chức đoàn khảo sát nhằm đánh giá khoa học và đầy đủ các yếu tố.

Đặc biệt hoạt động khảo sát phải có sự phối hợp với các chuyên gia của Cục Địa chất Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cũng như các chuyên gia trong và ngoài Bộ TN&MT để đánh giá cụ thể, chính xác, xác định nguyên nhân cũng như dự báo được nguy cơ, mức độ phát triển của các khối sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên.

Những nguyên nhân bất thường gây sạt lở

Ông Trần Hồng Thái cho biết, qua các vụ sạt lở gần đây ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã phát hiện hai nguyên nhân mới. Thứ nhất, ở tỉnh Lâm Đồng đã xác định doanh nghiệp xây kè, đổ đất ở bên ngoài vào đó. Điều này cho thấy công tác quản lý trật tự đô thị ở địa phương còn sơ hở, cần phải cường thanh tra kiểm tra để không xảy ra nữa.

Thứ hai, khu vực Tây Nguyên và thậm chí ở Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện những vết nứt dài hàng trăm mét và có tính chất hệ thống. Trong đó, các nhà khoa học nhận định dù Tây Nguyên có lớp phong thổ dày nhưng vết nứt kéo dài tới 547m, bề rộng chỉ 20cm là điều rất bất thường.

"Với đà này vết nứt đó còn kéo dài và sâu hơn nữa, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế xã hội địa phương nên cần sớm có đánh giá nguyên nhân cụ thể để đưa ra những cảnh báo, xử lý trong thời gian tới", ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh..

Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí mọi nguồn lực, sớm lên kế hoạch đi kiểm tra khảo sát một số khu vực sạt lở và có nguy cơ tai biến địa chất tại Tây Nguyên trong tháng 8.

Về giải pháp lâu dài, ông Trần Hồng Thái cho rằng chúng ta sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ và các địa phương có thể nắm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian tới, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tháng 8 và 9/2023. Còn tại khu vực Trung Bộ trong các tháng mùa mưa (tháng 10-12) được dự báo lượng mưa phổ biến thấp hơn so với TBNN, chưa có dấu hiệu mưa nhiều và mưa lớn cực đoan như năm 2020.Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

Về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1 x 1 km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thực hiện cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm đối với các tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương. Giải pháp để hạn chế thiệt hại là lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai địa phương thường xuyên thực hiện rà soát những điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trước những trận mưa lớn để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tim-ra-nguyen-nhan-bat-thuong-gay-sat-lo-dat-nhieu-noi-vet-nut-dai-hang-tram-met-169230816100256654.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: