Tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021- Những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 24-01-2021 | Lượt xem: 1018
Nhằm nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT, Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Triển khai Kế hoạch tuyên truyền về phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cụ thể là tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể, các hội, phòng ban, lực lượng xung kích cấp xã và cộng đồng dân cư; tập huấn chuyên đề về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Tỉnh chủ động nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn/ấp, khu dân cư để chủ động phòng, tránh có hiệu quả và đảm bảo thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật dự báo, cảnh báo mưa trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tỉnh rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành để thống nhất chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT & TKCN ở mỗi cấp, mỗi ngành. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu và đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo giữa Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành.

Tỉnh tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai nghiêm túc, đúng quy định 12/24 giờ vào mùa khô, 24/24 giờ trong mùa mưa để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tình huống, sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, thị xã, thành phố sát với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đồng thời xây dựng kế hoạch củng cố lực lượng xung kích cấp xã từ nguồn kinh phí cấp huyện, thị xã, thành phố.

Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh có liên quan cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra tại địa phương.

Trường hợp, khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể phải tổ chức chỉ huy kịp thời, thông suốt, đồng bộ trong công tác ứng phó (điều động lực lượng, phương tiện, vật tư, cứu nạn, cứu hộ, di dời người và tài sản) nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị vũ trang (Quân đội, Công an, Biên phòng...) chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Đồng thời tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, thu chi, sử dụng, quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp kịp thời các công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong mùa mưa lũ, ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình về PCTT, công trình giao thông, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất.

Thiên tai có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ hàng năm với Bình Phước

Những khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn

Qua rà soát, thống kê hiện trạng các khu dân cư, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra thiên tai được xác định cụ thể như sau:

a. Các khu vực khó khăn về nguồn nước: Hàng năm vào giữa mùa khô (khoảng từ tháng 2 đến giữa tháng 4) trên địa bàn tỉnh thường xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tại hầu hết 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh (Các khu vực khó khăn về nguồn nước có bảng 1 kèm theo).

b. Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), đặc biệt đầu mùa mưa thường xảy ra lốc xoáy tại các địa phương trong tỉnh; khi mưa lớn kéo dài có khả năng gây ra ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp (Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt có bảng 2 kèm theo). Trong đó thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú - Khu vực hai bên bờ suối Rạt, đoạn cắt ngang QL14 và đi qua các phường: Tân Thiện, Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài và các xã: Tân Tiến, Tân Phước, huyện Đồng Phú vào mùa mưa khu vực này thường xuyên xảy ra ngập lụt sâu, gây xói lở đất 2 bên bờ suối.

c. Khu vực có khả năng xảy ra lũ, lũ quét: Khu vực huyện Bù Đăng, cụ thể các xã: Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất, Đăng Hà (đoạn qua sông Đồng Nai); Phú Sơn, Đak Nhau, Đoàn Kết, Bình Minh (đoạn qua sông Lấp).

d. Khu vực có khả năng sạt lở: Huyện Bù Đăng: xã Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong (dọc hai bên bờ suối Đăk Woa); xã Đăng Hà (dọc bờ sông Đồng Nai); Khu vực đã xảy ra sạt lở: Tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà đoạn km 16+000 đến km 21+000.

Với những phân tích cụ thể như trên kết hợp với biện pháp phi công trình như: Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCTT và TKCN năm 2020; Triển khai thực hiện: Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 17/9/2020 của Tỉnh ủy Bình Phước về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cập nhật, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác phối hợp hoạt động ứng phó, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức bộ phận trực ban PCTT theo quy định, nắm chắc tình hình, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, thiên tai; Tổ chức diễn tập PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã sát với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN trên địa bàn (mỗi huyện từ 1-2 xã). Biện pháp công trình cụ thể: 1) UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn vận động Nhân dân phát quang, nạo vét khơi thông dòng chảy, tháo dỡ vật cản gây ách tắc dòng chảy và hạn chế việc tiêu thoát lũ; an toàn hành lang giao thông, hành lang lưới điện trong mùa mưa lũ; cắm các biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. 2) Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công công trình: Đối với các công trình đang thi công xây dựng, có phương án, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa lũ; 3) Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT, thủy lợi, trong đó tập trung ưu tiên cho những công trình chống hạn để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn mùa khô năm 2021. Kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình cầu, cống giao thông, thủy lợi.

Tạp chí KTTV Tổng hợp

 

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: