Tri Tôn nỗ lực ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 22-12-2022 | Lượt xem: 1976
Vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) gặp phải diễn biến thiên tai phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Ứng phó hiệu quả với thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp huyện.

Sạt lở ở Tri Tôn ngày càng phức tạp

Sạt lở ở Tri Tôn ngày càng phức tạp

Nỗi lo sạt lở

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ sạt lở ở những tuyến kênh trọng yếu. Điển hình như tại tuyến đê bờ Bắc kênh H7 (tiểu vùng AT3, ấp Ninh Thạnh, xã An Tức), ngày 16 và 17/5/2022, xảy ra đoạn sạt lở hình cung (dài 18m, độ sâu 0,8m, ngang 3,5m). Ngày 8/6, phần hàng rào bao quanh nhà kho chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ấp Giồng Cát (xã Lương An Trà) bị sạt lở, kéo nghiêng đổ một phần bờ tường bao quanh phía sau dài khoảng 23m, ăn sâu vào 5m.

Ở bờ Bắc kênh Tám Ngàn (thuộc ấp Cây Me, xã Châu Lăng), liên tục xảy ra sạt lở với chiều dài 450m, rộng 3-3,5m, sâu khoảng 3m. Cụ thể, ngày 17/8 có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến giao thông đi lại, sản xuất của bà con trong khu vực; các đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 300m. Từ ngày 28 đến 29/9, sạt lở gồm 3 đoạn, dài khoảng 78m, rộng từ 3-3,5m, sâu khoảng 3m. Ngày 18/10, tiếp tục sạt lở khoảng 38m; ngày 19/10 sạt lở thêm 34m.

Đối với tuyến đường bê-tông phía sau UBND xã Lương An Trà (bờ Đông kênh Tám Ngàn), 2 lần xuất hiện sạt lở với chiều dài 415m. Ngày 17/8, chiều dài sạt lở 400m (hơn 100m là tuyến dân cư). Đến ngày 30/9, một đoạn đường bê-tông tiếp tục bị sạt lở phần móng, một đoạn bê-tông bị gãy, sụp, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân. Qua kiểm tra, phần đường này trước đây bị sạt lở đến phần móng, hiện nay tiếp tục sụp lún phần đường bê-tông dài 15m, một đoạn bê-tông cặp kênh Tám Ngàn bị gãy, tạo thành hàm ếch phía trong và có nguy cơ hư hại phần đường bê-tông còn lại.

Tại ấp An Lương (xã Lương Phi), ngày 29/9 xảy ra sạt lở gồm 2 đoạn, dài 60m, rộng 3m, sâu khoảng 3m. Trên tuyến kênh Vĩnh Thành 3 (đoạn từ kênh NVT7 - T5, thuộc ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước), từ ngày 3/10 đến 7/10, xảy ra sạt lở gồm 3 đoạn, dài 100m, rộng 4-5m. Tại tiểu vùng Mương Cao (xã Tân Tuyến), trên diện tích sản xuất nông nghiệp 450ha hiện đang có nguy cơ sạt lở chiều dài khoảng 220m…

Thiên tai phức tạp

Cùng với sạt lở, năm 2022, diễn biến mưa lớn, giông, lốc trên địa bàn huyện Tri Tôn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại tài sản khoảng 145 triệu đồng. Cụ thể, ngày 11/9, tại khóm Huệ Đức (thị trấn Cô Tô) xảy ra mưa giông, gây sập và tốc mái 8 nhà dân (1 căn sập hoàn toàn, 2 căn tốc mái 100%, 5 căn tốc mái 30%). Ngày 13/11, tại ấp Phước Bình (xã Ô Lâm), mưa giông gây sập hoàn toàn 1 căn nhà dân. Ngày 16/11, tại ấp Vĩnh Cầu (xã Vĩnh Gia), mưa lớn kèm giông lốc đã làm ngã 1 trụ điện, tốc mái 1 căn nhà.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, năm 2022, tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại do thiên tai hơn 205ha, có 111 hộ bị ảnh hưởng, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ thiệt hại gần 390 triệu đồng. Trong đó, vụ đông xuân 2021-2022, có 89,12ha lúa, màu của 85 hộ nông dân bị thiệt hại do mưa giông (22ha thiệt hại từ 30-70%, 67,12ha thiệt hại trên 70%), tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 156 triệu đồng (định mức hỗ trợ đối với lúa thuần bị thiệt hại trên 70% là 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% là 1 triệu đồng/ha). Vụ hè thu 2022, chủ yếu thiệt hại hoa màu.

Ngày 6/5, tại ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước), hơn 48,4ha khoai mì của 18 hộ bị héo, rụng lá, củ bị hư. Từ ngày 5/5 đến 9/5, có 68,2ha dưa hấu của 8 hộ dân tại các tiểu vùng Phú Lâm 1, 2, 3 bị thiệt hại trên 70% (Phú Lâm 1 là 26,2ha, Phú Lâm 2 là 8ha, Phú Lâm 3 là 34ha). Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ đối với dưa hấu và khoai mì bị thiệt hại là 233 triệu đồng.

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai, ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự năm 2022. Đồng thời, tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự huyện; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ban chỉ huy, quy chế về công tác trực ban, họp và văn bản chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Để giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai và bảo vệ sản xuất, năm 2022, huyện Tri Tôn triển khai thi công 86 công trình thủy lợi, ước tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, 7 công trình từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2022 do tỉnh quản lý (2,5 tỷ đồng); 17 công trình từ nguồn vốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2022 do tỉnh quản lý (1,5 tỷ đồng); 29 công trình từ nguồn vốn Nghị định 62 do huyện quản lý (gần 19,5 tỷ đồng); 33 công trình từ nguồn vốn thủy lợi phí do huyện quản lý (trên 18,7 tỷ đồng).

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tri-ton-no-luc-ung-pho-thien-tai-a350962.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: