Xây dựng giải pháp hiệu quả phòng tránh trượt lở

Đăng ngày: 21-05-2019 | Lượt xem: 1112
Bộ TN&MT đang thúc đẩy các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng, phân vùng cảnh báo nguy cơ để có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân… Xung quanh đề án này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
1505 Tr nh Xu n H a
TS. Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

PV: Công tác điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở đã được Viện triển khai như thế nào, thưa ông?

TS. Trịnh Xuân Hòa: Trên cơ sở Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; đồng thời nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Từ năm 2012 - 2018, Đề án đã triển khai và xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 trên 18 tỉnh miền núi phía Bắc và hoàn thành công tác lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình.

HNM 6666
Hiện tượng trượt lở đất đá xảy ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Ảnh: Hoàng Minh

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể những kết quả điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở?

TS. Trịnh Xuân Hòa: Các kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, các tỉnh thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có nguy cơ trượt lở đất đá cao nhất. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, 12 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa và 11 huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được đánh giá có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao. Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh có nguy cơ trượt lở đất đá cao. Tỉnh Bắc Giang có nguy cơ trượt lở đất đá thấp.

Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá đã cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra trượt lở đất đá và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá cao. Từ đó, giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát; đồng thời, sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cảnh báo về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng để đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp.

Các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cung cấp thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt các quá trình trượt lở đất đá xảy ra. Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra trượt lở đất đá ở địa phương, chi tiết tới cấp xã.

Nhờ đó, các địa phương có cơ sở khoa học để quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có thể lồng ghép các kế hoạch, biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

PV: Các sản phẩm từ điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá đã và đang được chuyển giao cho các địa phương sử dụng ra sao, thưa ông?

TS. Trịnh Xuân Hòa: Các kết quả điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá được thực hiện từ năm 2012 đã xác định được hơn 200 xã trọng điểm cần tiến hành công tác điều tra bổ sung, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng cho địa phương các loại bản đồ cảnh báo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ TN&MT, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai các đợt tập huấn cho các chuyên viên được giao quản lý và sử dụng bộ sản phẩm của Đề án, các cán bộ phụ trách về công tác phòng tránh thiên tai tại các cộng đồng dân cư.

Đồng thời, xây dựng các tài liệu tập huấn hướng dẫn quản lý và sử dụng các sản phẩm chuyển giao về các địa phương; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tại các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình và Bắc Kạn, Quảng Ninh và Lào Cai. Năm 2018, Đề án đã chuyển giao trực tiếp các kết quả điều tra chi tiết chi tại các xã trọng điểm.

Trong năm 2019, công tác chuyển giao các kết quả điều tra, nghiên cứu của năm 2018 sẽ được tiếp tục cho các cơ quan chức năng và địa phương sử dụng trước mùa mưa bão. Trong đó, có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 tỉnh Quảng Trị; bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình; bản đồ hiện trạng và sơ đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/10.000 của 24 xã trọng điểm thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ra các bản tin cảnh báo trượt lở đất đá, các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa, bão.          

PV: Theo ông, thời gian tới, chúng ta cần làm gì để những sản phẩm như bản đồ hiện trạng và bản đồ phân vùng cảnh báo thực sự phát huy hiệu quả phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai?

TS. Trịnh Xuân Hòa: Để phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo, phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão tại các tỉnh miền núi, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khẩn trương tích hợp các sản phẩm cảnh báo của Đề án trượt lở với cơ sở dữ liệu chung.

Công tác chuyển giao sản phẩm, hướng dẫn quản lý, sử dụng về địa phương cần được pháp lý hóa nên Đề án sẽ chủ động phối hợp với địa phương cập nhật thông tin và triển khai tập huấn sử dụng kết quả điều tra, phục vụ kịp thời công tác phòng tránh thiên tai trượt lở đất đá.

Để thực sự phát huy hiệu quả công tác điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở; những sản phẩm như bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng cảnh báo cần được các địa phương sử dụng, ít nhất vào hai mục đích. Trước mắt, sơ tán dân ra khỏi các khu vực đang trượt lở hoặc có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét cao. Về lâu dài, những sản phẩm này cần được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, phục vụ tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm tránh tối đa tác động nhân sinh vào tự nhiên, góp phần giảm thiểu các tác nhân làm tăng nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Theo Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: