Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sau khi vào Biển Đông bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h sau đó bão có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam. Theo dự báo hiện tại, bão số 6 có thể tăng cường độ trong 24-48h tới, đạt cường độ mạnh nhất khi ở vùng biển Bắc Biển Đông (khoảng cấp 13, giật cấp 15), sau đó bão có khả năng giảm dần cường độ khi di chuyển về phía vùng biển Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về cơn bão số 6
Đặc điểm của cơn bão số 6
Khác với cơn bão trước đây, khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Lu-Dông (Philippin), do đi qua vùng biển thoáng, không bị ảnh hưởng của ma sát địa hình, nên bão số 6 không bị mất năng lượng nên cường độ gần như giữ nguyên khi vào biển Đông (mạnh cấp 11).
Hiện nay không khi lạnh đang hoạt động mạnh và liên tục được tăng cường nên sự tương tác của không khí lạnh này với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão số 6. Phần lớn các cơn bão trong quá khứ đi vào biển Đông mà gặp không khí lạnh (KKL) và khô đã tồn tại phía trước thì cường độ bão sẽ suy yếu, tuy nhiên trong quá khứ vẫn có trường hợp KKL không đủ mạnh thì bão sẽ yếu đi nhưng không nhiều và cường độ ảnh hưởng tới đất liền vẫn còn mạnh.
Bão số 6 gây gió mạnh trên biển
Trong 24-48h tới ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 19-10, sau tăng lên cấp 11-13, giật cấp 16, sóng biển cao từ 8-10m. Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m.
Các kịch bản bão số 6 ảnh hưởng đến đất liền
Do tương tác với KKL nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến vùng biển ven bờ và đất liền có thể xảy ra theo các kịch bản sau:
Kịch bản 1 (với xác suất xảy ra khoảng 50-60%): Xảy ra trong trường hợp bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi đi trước khi vào vùng biển Trung Bộ và yếu thành vùng áp thấp hoặc ATNĐ trước khi vào đất liền:
Kịch bản 2 (trường hợp xấu, với xác suất xảy ra khoảng dưới 10%): Khi bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam, không khí lạnh suy yếu, bão sẽ di chuyển thẳng vào miền Trung cường độ suy giảm không nhiều, còn mạnh ở cấp 9-10.
Kịch bản 3 (xác suất xảy ra khoảng 30-40%): Khi bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam, tương tác mạnh với không khí lạnh, cường độ yếu đi nhanh sẽ tan trước khi đi vào đất liền, trên đất liền mưa và gió không đáng kể.
Tạp chí KTTV