Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất trong đợt này sẽ xuất hiện vào các ngày từ 6 đến 8/11-2021 (nhằm mùng 2 đến mùng 4 tháng 10 âm lịch), cao hơn mức báo động III từ 1 đến 14cm. Mực nước đỉnh triều tại các trạm trên sông Hàm Luông- huyện Chợ Lách có khả năng đạt mức đỉnh triều từ 200 - 204cm, cao hơn mức báo động III từ 10-14cm; trên sông Cửa Đại, trạm Bình Đại (huyện Bình Đại) mực nước đỉnh triều khả năng ở mức từ 184-188cm...
Ven sông rạch của tỉnh Bến Tre có nhiều điểm bong nứt cần bảo vệ khi triều cường dâng cao.
Một điểm sạt lở tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách.
Chủ động ứng phó với đợt triều cường lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trong tỉnh Bến Tre yêu cầu chính quyền và các ngành chức năng địa phương có kế hoạch ứng phó; trong đó vận động người dân hỗ trợ nhân lực, vật lực tổ chức gia cố đê bao, các cống đập ngăn nước, chủ động ứng phó với tình hình ngập úng, sạt lở do triều cường, nhất là khu vực trũng thấp, khu vực cồn, cù lao, ven sông, ven biển.
Huyện Chợ Lách gia cố bờ đê ven sông chủ động phòng chống triều cường đợt 3.
Cơ giới thi công khẩn trương để ứng phó với triều cường.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đê bao đất còn thấp và nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở cần được bảo vệ khi triều cường dâng cao.
“Đây là đợt đỉnh triều trong năm nên thông báo cho bà con tôn cao bờ bao lên, sợ nhất là sạt lở bờ sông, nên mình cố gắng giữ, tập trung tôn cao bờ bao, đóng các nấp cống lại để đảm bảo an toàn. Điểm nguy cơ sạt lở là ven sông Cổ Chiên thuộc xã Vĩnh Bình, riêng ở xã Tân Thiềng có cồn Kiếng, cồn Lát, cồn Bùn rất mỏng nên chúng tôi đã thông báo cho địa phương nơi nào yếu thì gia cố”- ông Trần Hữu Nghị cho biết./.
Theo VOV