Cảnh báo lũ kết hợp triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (tại Tân Châu, Châu Đốc) có khả năng dâng cao nhất trong 4 năm qua
Trong những ngày tới, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn sông Mê Công, kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sẽ lên nhanh và đạt đỉnh lũ năm 2022 từ ngày 10-13/10, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu khả năng lên mức 3,7m (trên BĐ1 0,2m); cao hơn đỉnh lũ năm 2021 0,91m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc khả năng lên mức 3,3m (trên BĐ1 0,3m), cao hơn đỉnh lũ năm 2021 0,73m.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao của thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, bờ bắc kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang), thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh (tỉnh Long An). Đề phòng đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Từ ngày 11-13/10, do ảnh hưởng của lũ đầu nguồn Cửu Long và triều cường, mực nước các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức BĐ2-BĐ3, có trạm lên trên BĐ3, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long (tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang).
Nhận định mùa khô 2022-2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long
Nhận định trong các tháng cuối năm 2022, lượng mưa ở thượng nguồn sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn TBNN; khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ở khu vực Nam Bộ; tổng lượng dòng chảy trong những tháng đầu mùa khô 2022/2023 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và ĐBSCL ở mức tương đương TBNN, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức xấp xỉ, hoặc thấp hơn mùa khô năm 2021/2022.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Tạp chí KTTV tổng hợp