Cảnh báo sạt lở đất khu vực Bắc Bộ

Đăng ngày: 07-04-2021 | Lượt xem: 5163
Ngày 7/4/2021, một số khu vực thuộc Việt Bắc và Đông Bắc đã có mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20 – 30mm tập trung ở tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sẽ tiếp tục có mưa, mưa vừa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 30mm. Hiện tại, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã phát tin cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.

Nhìn lại các trận sạt lở đất gần đây ở Trạm kiểm lâm 67, Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; sạt lở đất ở Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quảng Trị) làm 22 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh, hay 2 vụ trượt lở đất xảy ra ở Quảng Nam khiến hàng chục người chết và mất tích. Bão, mưa lũ thường gây ra những trận sạt lở đất kinh hoàng, đặc biệt ở các khu vực miền núi hay ven sông, suối gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Vì vậy người dân cần nâng cao đề phòng.

Trượt lở là hiện tượng mất ổn định và dịch chuyển sườn dốc, mái dốc, gây mất ổn định công trình, vùi lấp người và tài sản, phá hoại diện tích canh tác và môi trường sống, có thể dẫn tới những thảm hoạ lớn cho con người và xã hội. Các loại hình trượt lở thường gặp nhất bao gồm: trượt lở, sạt lở, lở đá.

Trượt lở đất: Xảy ra nhiều ở các sườn đồi núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình tai biến thường có qui mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 - 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 - 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.

Sạt lở đất thường xảy ra tại các thung lũng và triền sông, dọc các bờ biển bị xói lở. Trong quá trình sạt lở, có sự đan xen giữa hiện tượng dịch chuyển trượt, hiện tượng sụp đổ. Hiện tượng sạt lở thường được báo trước bằng các vết nứt sụt ăn sâu vào đất liền và kéo dài theo bờ sông, bờ biển. Diễn biến phá hoại của sạt lở nhanh và đột ngột. Sạt lở bờ thường có xu hướng tái diễn nhiều năm, phạm vi ảnh hưởng rộng, đe doạ phá hỏng cả cụm dân cư.

Lở đá: Là hiện tượng các tảng đá, mất gắn kết với cả khối, sụp đổ và lăn xuống vùng thấp. Xuất hiện ở các vùng núi bị phong hoá mạnh, tầng đá mặt bị nứt nẻ, kết cấu kém hoặc ở những vùng tầng đất mặt không đồng nhất, xen lẫn giữa đất và đá tảng. Khi có mưa lớn, kéo dài, rửa trôi tầng đất, làm lộ các tảng đá, đến một lúc nào đó, do trọng lực, các tảng đá lở xuống chân sườn dốc.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: