Chuyên gia nhận định về hiện tượng Elnino suy yếu dần chuyển sang pha La Nina dẫn đến cao điểm mùa khô

Đăng ngày: 14-03-2024 | Lượt xem: 508
Khả năng từ tháng 6 trở đi El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55-60%. Còn trong 1-2 tháng tới hiện tượng El Nino còn tiếp diễn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, từ đầu năm đến nay, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), riêng sông La Ngà (Bình Thuận) thiếu hụt trên 60%; một số sông khác ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Bình Định, nam Tây Nguyên ở mức cao hơn từ 15-40%.

Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ đạt trung bình từ 35-85% dung tích thiêt kế (DTTK), khu vực Trung Trung Bộ đạt từ 83-94% DTTK, khu vực Nam Trung Bộ đạt từ 60-90% DTTK, khu vực Tây Nguyên đạt từ 45-83% DTTK. So với TB 5 năm gần đây, tổng dung tích các hồ chứa tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đang ở mức thấp hơn TBNN.

Tình trạng khô hạn cục bộ đã xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum và Gia Lai. Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn là từ cuối mùa mưa lũ năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa tại các tỉnh ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt nhiều so với TBNN; đặc biệt trong tháng 1,2/2024 tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên nhiều nơi không mưa kéo dài, cùng với đó là nhiệt độ tại các khu vực cao hơn bình thường từ 0,5-1,50C.

Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Theo ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia: “Dự báo mới nhất, khả năng từ tháng 6 trở đi El Nino mới suy yếu và chuyển dần sang pha La Nina với xác suất khoảng 55-60%. Còn trong 1-2 tháng tới hiện tượng El Nino còn tiếp diễn. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mùa khô ở Trung Bộ, Tây Nguyên. Trời nắng nhiều hơn và nóng hơn, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm từ 0,5-1,5 độ C. Lượng mưa thiếu hụt 15-30%. Hệ quả là dòng chảy trên các sông cũng sẽ giảm từ 15-50% so với cùng kỳ mọi năm, có thể gây ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Từ cuối tháng 5, tình hình khô hạn ở đây sẽ giảm dần khi Tây Nguyên chuyển dần sang mùa mưa. Nhưng với khu vực Trung và Nam Trung Bộ, từ tháng 9 trở đi mới bước vào mùa mưa lũ chính vụ, do đó từ tháng 5-8 khô hạn có khả năng xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận. Như vậy tình hình hạn hán năm nay có thể gia tăng hơn năm ngoái nhưng không nghiêm trọng như mùa khô (lịch sử) năm 2015-2016”.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: