Khí hậu ĐBSCL có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau) gắn liền với đặc trưng ít mưa, dòng chảy trên các sông ở mức thấp, nhiệt độ cao, nắng nóng nhiều, triều cường mạnh,.. vì vậy năm nào cũng phải đối mặt với tình trạng hạn mặn với các mức độ khác nhau. Trong hơn 1 thập kỷ qua đã xuất hiện liên tục các đợt hạn mặn khốc liệt vào các năm 2016, 2020. Hiện tại khu vực cũng đang đối mặt với tình trạng hạn mặn tương đối gay gắt mặc dù không khốc liệt như 2 năm 2016 và 2020. 2 yếu tố tự nhiên có tác động chính khiến mức độ hặn mặn ở ĐBSCL trở nên gay gắt hơn bình thường là biến đổi khí hậu và El nino. BĐKH làm cho trái đất ngày càng nóng lên mà dẫn chứng cụ thể là 20 năm qua là thời kỳ nóng nhất lịch sử, năm 2023 là năm nóng nhất chưa từng xảy ra trước đây, đồng thời mức nước biển có xu thế dâng cao cũng làm cho xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào các cửa sông ven biển. Trong khi đó El Nino thường gắn với hình thái thời tiết ít mưa, nắng nóng gay gắt. Chính vì vậy, khi có tác động cộng hưởng của 2 yếu tố trên thì tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trao đổi kĩ hơn về Elnino và Biến đổi khí hậu để hiểu được vì sao nước ta gần đây phải hứng chịu rất nhiều diễn biến thời tiết bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV).
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV
Theo ông, “El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
El Nino xuất hiện sẽ làm thay đổi các hình thái thời tiết trên toàn cầu, nhiều mưa hơn ở một số nơi, trong khi những nơi khác có thể không có mưa hoặc mưa rất ít. Trong thời kỳ El Nino, tình trạng thiếu hụt mưa phổ biến sẽ xuất hiện tại các quốc gia Đông Nam Châu Á, Ấn Độ và cả khu vực Châu Úc. El Nino cũng làm cho cho nhiệt độ có xu hướng tăng cao, như tại Ấn Độ, Đông Nam Châu á, bờ Đông Châu Úc, phía Nam Châu Phi, bờ Đông Bắc Mỹ.
Đối với Việt Nam, trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Đáng chú ý, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm 2023, cũng như ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino là các đợt hạn mặn kỷ lục vào mùa khô năm 2015/2016 và 2019/2020.
BĐKH là sự thay đổi của khí hậu được quy trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được. Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là sự gia tăng các khí nhà kính do hoạt động con người, chẳng hạn như sự phát thải của khí CO2 từ đốt nhiên liệu hóa thạch và sự phá rừng. BĐKH có thể gây ra những tác động lớn đối với môi trường, kinh tế và xã hội, bao gồm cả tăng cường cường độ và tầm ảnh hưởng của các hiện tượng tự nhiên như El Niño.
ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn sông Mê Kông. Các hoạt động khai thác ở thượng lưu như: xây dựng đập, hồ chứa, tăng diện tích tưới, chuyển nước ra khỏi lưu vực và các hình thức thay đổi sử dụng đất khác đang phát triển theo hướng bất lợi, làm biến động dòng chảy về đồng bằng cả trong mùa mưa và mùa khô, tác động mạnh mẽ đến nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên đồng bằng sông cửu long.
Số liệu quan trắc thủy văn nhiều năm tại hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc cho thấy dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm rõ rệt trong những năm qua. Dòng chảy trung bình mùa lũ trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 28 m3/s, tại Châu Đốc giảm khoảng 21 m3/s; dòng chảy trung bình mùa cạn trung bình mỗi năm tại Châu Đốc giảm 15 m3/s; dòng chảy một tháng lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 43 m3/s; đối với dòng chảy ba tháng lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 50 m3/s, tại Châu Đốc giảm khoảng 8 m3/s và dòng chảy trung bình ngày lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 209 m3/s, tại Châu Đốc giảm khoảng 44 m3/s. Khi dòng chảy thiếu hụt, sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt với tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL.
Trong 10 năm trở lại đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng của 2 mùa khô có mức độ hạn mặn khốc liệt là các năm 2015-2016, 2019-2020. Trong đợt hạn mặn năm 2016, có 13 tỉnh, thành tại ĐBSCL bị mặn xâm nhập. Trong đó, 10 tỉnh đã công bố thiên tai, nhiều tỉnh công bố cấp độ 2. Tại nhiều cửa sông, độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến 20 triệu người dân ĐBSCL. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng 160.000 ha lúa bị thiệt hại, ước tính có khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng.
Mùa khô năm 2019-2020, ở ĐBSCL có sáu tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900ha, trong đó, có 26.000ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300ha. Đối với diện tiacsh cây ăn trái, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm khoảng 6.650ha tại sáu tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) thiếu nước tưới, giảm năng suất, khoảng 355ha bị thiệt hại mất trắng. Hạn, xâm nhập mặn đã làm 1.241ha cây màu tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau thiếu nước tưới, trong đó có 541ha bị thiệt hại mất trắng. Nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cũng bị thiệt hại hơn 8.715ha, trong đó nghề nuôi cá truyền thống thiệt hại 1.234ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha. Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình.
Trong mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đến sớm hơn, cao hơn TBNN và năm 2023. Mặc dù các tỉnh đã có nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn, tuy nhiên một số diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng khuyến cáo không xuống giống hiện đang bị ảnh hưởng bởi thiếu nước. Ngoài ra, một số khu vực dân cư nông thôn nằm ngoài khu vực cấp nước tập trung hiện đang bị thiếu nước cục bộ (khu vực không chủ động được nước ngọt), điển hình như tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Kiên Giang. Ngoài ra, hạn hán đang làm cho một số khu vực xảy ra tình trạng xụt lún, tập trung ở các tuyến đường giao thông nông thôn, đặc biệt như tại Cà Mau (trên 600 điểm) và Kiên Giang (trên 300 điểm).
Xâm nhập mặn và hạn hán nghiêm trọng tại ĐBSCL. Ảnh: PCTT
Từ nay cho đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ở ĐBSCL tiếp tục chịu ảnh hưởng của 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao vào các thời kỳ khoảng từ ngày 22-28/4, 07-11/5. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ nông nghiệp của các công trình thủy lợi từ 45-60km; cục bộ tại một số vùng tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau thiếu nguồn nước sinh hoạt. Cùng với đó, tình hình nắng nóng và thiếu hụt nguồn nước mưa tại chỗ sẽ làm cho một lượng lớn nước đang tích trữ trong các ao, hồ, kênh bị bay hơi, điều này sẽ làm gia tang sự thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt tại các khu vực không chủ động nguồn nước ngọt.
Về giải pháp ứng phó:
Trước hết cần sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tránh làm ô nhiễm nguồn nước để đảm bảo nguồn nước có chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt, các các ngành.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước, thuỷ triều, xâm nhập mặn.
Các địa phương tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, rà soát, kiểm soát các công trình lấy nước để tránh sự cố. Đồng thời cần kiểm tra chất lượng nước tại các khu vực ít xảy ra xâm nhập mặn để tránh sự cố.
Ngoài ra, vấn đề cấp nước cho sinh hoạt của người dân cần được triển khai quyết liệt hơn để luôn sẵn sang cấp nước bổ sung để đảm bảo nguồn nước ổn định cho người dân.
Từ nhiều năm qua, Tổng cục KTTV đã xây dựng và thực hiện quy trình cảnh báo sớm, dài hạn, đặc biệt là giám sát và cảnh báo sớm trước nhiều tháng hiện tượng El Nino và La Nina. Ngay từ giữa mùa lũ năm 2023 (tháng 9/2023), nhận định tình hình dòng chảy mùa khô năm 2023-2024 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), xâm nhập mặn đến sớm và cao hơn TBNN, các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV đã gửi các bản tin nhận định dài hạn đến Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để sớm có biện pháp ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024; sau đó là các bản tin dự báo, cảnh báo thiếu hụt nguồn nước, xâm nhập mặn được các đơn vị dự báo cập nhật theo tuần, tháng, trong bản tin đã dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan trắc, dự báo ranh mặn 1 phần ngàn và 4 phần ngàn đến từng sông chính trên địa bàn tỉnh thuộc ĐBSCL, số liệu độ mặn được cập nhật gửi đến các địa phương hàng ngày tại các điểm quan trắc. Căn cứ vào các thông tin dự báo cảnh báo, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.
Tạp chí KTTV