Độ ẩm đất bão hòa, cảnh báo lũ quét, sạt lở từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế

Đăng ngày: 29-10-2024 | Lượt xem: 345
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa lũ tại nhiều huyện ở các khu vực trên.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 7 giờ ngày 28 đến 7 giờ ngày 29/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 161mm (Hà Tĩnh); Lâm Thủy 156,2mm (Quảng Bình); Tà Long 290,8mm (Quảng Trị); Hồng Trung 172,2mm (Thừa Thiên Huế); ...

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, các chuyên gia nhận định mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Đáng chú ý, trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên được dự báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: Hà Tĩnh từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Dự báo, trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện, đặc biệt tại các khu vực:

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: cấp 2.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: