Đợt nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 16/5/2021

Đăng ngày: 11-05-2021 | Lượt xem: 2000
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, từ ngày 10/5 ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ có nắng nóng cục bộ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Từ ngày 11/5, nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ.

Tại khu vực Hà Nội: Ngày 10/5 có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ. Từ ngày 11/5 có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ.

Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội từ nay đến cuối năm 2021 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo giông, lốc, mưa đá... Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ hai ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt 39-40 độ C. Đợt nắng nóng đầu tiên xảy ra vào khoảng đầu tháng 5-2021, các đợt còn lại sẽ tập trung vào cuối tháng 5, 6, 7, từ tháng 8 nắng nóng vẫn còn nhưng cường độ giảm dần.

Nắng nóng bắt đầu ra tăng từ tháng 6-9/2021, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,00C, nắng nóng ở Bắc Bộ và miền Trung sẽ tập trung vào giai đoạn tháng 6-8/2021.

Trong mùa hè một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là tia cực tím (tia UV), Theo dự báo trong mùa hè tia UV có chỉ số cao nhất từ trưa và đầu giờ chiều, trong các ngày trời quang mây, có nắng nóng thì chỉ số UV sẽ ở mức rất cao, khi chỉ số UV từ 6 - 7 là mức cao, thậm chí là từ 8-10 là ở mức ảnh hưởng rất cao. Do đó, khi di chuyển ngoài đường, người dân cần sử dụng các biện pháp để bảo vệ mắt và da tránh tiếp xúc với tia UV, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các tia nắng trong thời gian buổi trưa và đầu giờ chiều để tránh những tác hại của tia UV đối với sức khỏe.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng cũng khuyến cáo, hiện nay đã bước vào tháng 5, ngoài nắng nóng gia tăng thì cũng cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn… cùng với xu hướng biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, thiên tai có xu hướng không chỉ gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng, mà còn cả về cường độ vì vậy các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan KTTV.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: