Nhận định tình hình ENSO, hạn mặn khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024

Đăng ngày: 08-04-2024 | Lượt xem: 2478
Từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN và năm 2023. Trong tháng 02-3/2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Qua theo dõi diễn biến mức độ xâm nhập mặn cho thấy năm nay cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km. Đặc biệt tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016. Đợt triều cường ngày 23-24 (15/2 âm lịch) đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh thuộc ĐBSCL đang gặp tình trạng khô cạn.

Xâm nhập mặn năm 2024 này diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8 đến13/3 ranh mặn 4 g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn, tính đến thời điểm hiện tại đây là đợt có nồng độ mặn cao nhất năm 2024; ranh mặn 1 g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km. 

Đất canh tác của người dân trơ trọi trước tình trạng hạn hán.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre: Mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu hơn TBNN và sâu hơn mùa khô 2022-2023.Tính đầu mùa khô đên nay đợt xâm nhập mặn 8-13/3 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất, đặc biệt trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn 1 g/l sâu nhất mùa khô 2015-2016

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Tiền Giang: năm 2024 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn 4g/l lấn sâu 18km vào ngày 08/01. Độ mặn tăng cao và lấn sâu vào nôi đồng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 trùng với kỳ triều cường đầu tháng Hai âm lịch nên độ mặn trên sông Tiền đã tăng cao và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Trà Vinh: Trên sông Long Toàn và Sông Hậu mặn tăng nhanh và xuất hiện cao nhất đầu tháng 02/2024, trên sông Cổ Chiên kéo dài và xuất hiện cao nhất đầu tháng 3/2024. Đỉnh mặn cao nhất trên các sông chính trong tỉnh đạt từ 6.8-20.0 g/l.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Sóc Trăng: Tại Sóc Trăng các trạm trên Sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 1g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 63km, trên sông Mỹ Thanh là 73km. Trên Sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 50-55km, trên sông Mỹ Thanh là 52-57km.) Tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh phía Nam sông Hậu. Điều này có thể gây bất lợi đối với công tác sản xuất lúa do cuối tháng 3 là thời điểm các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị kết thúc thu hoạch và sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa Hè thu năm 2024.

Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết là do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60-95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp hơn TBNN, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.

Triển khai Công tác dự báo, cảnh báo hạn mặn

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, hiện tượng nước dâng do gió mùa Tây Nam mạnh gây ngập úng khu vực cửa sông; theo dõi nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công ngay từ những ngày đầu mùa lũ để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 cho vùng ĐBSCL; tăng cường công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn kết hợp với tăng cường công tác truyền tin. Tổng cục KTTV đã chủ động theo dõi, cảnh báo sớm khu vực nào ở BĐSCL chịu tác động để cung cấp thông tin sớm nhất có thể để đến với người dân, chính quyền địa phương và thực hiện tốt công tác truyền thông để có kế hoạch trong sản xuất. Nhờ có sự cảnh báo sớm, từ xa, thông tin kịp thời và sự vào cuộc chủ động của các địa phương thông qua việc chủ động xuống giống sớm, né mặn, tích trữ nước.

Trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Công điện số 4/CĐ-TTG ngày 15/01/2024 về việc Chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 08/3/2024 về việc tập chung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sống Cửu Long. Triển khai thực hiện 2 Công điện trên, Tổng cục KTTV với vai trò là ban thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Bộ TNMT đã dự thảo trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 03/BCHPCTT ngày 13/3/2024 gửi đến các đơn vị liên quan về ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2023-2024.

Lưu ý: các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng cây ăn trái, bà con nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm này.

Nhận định tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2024

Hiện tượng ENSO:  Dự báo El Niño sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-65%.

Tài nguyên nước mưa: Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, dự báo mùa mưa có khả năng xuất hiện tại Tây Nguyên vào đầu hoặc giữa tháng 5, tại khu vực Nam Bộ khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2024.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tháng 4/2024 TLM thấp hơn từ 30-60mm so với TBNN. Tháng 5/2024, TLM thiếu hụt so với TBNN khoảng từ 15-30%. Tháng 6-10/2024, TLM phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Tài nguyên nước mặt: Lưu vực sông Tây Nguyên: Từ tháng 4-6/2024, mực nước trên các sông chính dao động theo điều tiết của hồ chứa thủy điện, riêng mực nước sông Krông Ana biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-25% so với TBNN.

Trong thời kỳ này, nguy cơ cao xảy ra hạn hán tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 7-10/2024, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ2-BĐ3. Dòng chảy trên các sông trong khu vực phổ biến thiếu hụt từ 15-25% so với TBNN.

Lưu vực sông Mê Công: Từ tháng 4-5/2024, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL về ĐBSCL thấp hơn TBNN từ 15-20%.  Từ tháng 6-10/2024 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2024, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m.

Cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ 08-13/4, từ 22-28/4 và từ 07-11/5, cụ thể: chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70-95km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62km; sông Hàm Luông từ 60-68km; sông Cổ Chiên từ 45-55km; sông Hậu từ 40-55km; sông Cái Lớn từ 45-55km.

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: