Những cơn siêu bão sẽ gia tăng thời gian tới

Đăng ngày: 12-10-2024 | Lượt xem: 111
Năm 2024 chứng kiến một loạt các siêu bão mạnh xuất hiện trên khắp thế giới. Những cơn siêu bão này đều có chung đặc điểm là tăng cấp nhanh trong thời gian ngắn, sức tàn phá lớn, gây nhiều thiệt hại về người và hàng tỉ đô la.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng  thủy văn quốc gia, đã lý giải nguyên nhân các trận siêu bão toàn cầu gần đây có sức tàn phá lớn.

Theo ông, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên làm tăng lượng hơi nước trong khí quyển, tạo điều kiện cho bão tăng cường độ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Theo ông Khiêm, hiện tượng ENSO năm 2024 với sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina nhanh chóng đã làm mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương, góp phần cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của bão. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nhiệt độ đại dương và khí quyển tăng, cung cấp thêm năng lượng và hơi nước cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến nhiều cơn bão mạnh hơn.

Ông Khiêm nhấn mạnh, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng năm 2024 đã cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất được ghi nhận. “Khi nhiệt độ tăng, số lượng và cường độ các cơn bão mạnh cũng sẽ tăng theo”, ông Khiêm chia sẻ.

Nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy, nhiệt độ đại dương ấm lên là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới có cường độ mạnh hơn và xuất hiện nhiều hơn, với sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C.

Ông Khiêm còn cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể làm giảm độ đứt gió thẳng đứng, một yếu tố thường ngăn cản bão phát triển. Sự thay đổi hoàn lưu và khí áp, cùng với chênh lệch nhiệt độ giữa đất liền và biển, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành và duy trì cường độ lâu hơn.

Các siêu bão xuất hiện trong năm 2024:

Siêu bão BERYL:

Cường độ cực đại: Sức gió 270 km/h, giật 320 km/h, khí áp 935 mbar.

Khu vực ảnh hưởng: Ca-ri-be, Mexico, bang Texas (Hoa Kỳ).

Thời điểm đổ bộ: 8/7, vào Texas với sức gió 125 km/h, giật 150 km/h.

Siêu bão SHANSHAN:

Cường độ cực đại: Sức gió 215 km/h, giật 260 km/h, khí áp 932 mbar.

Khu vực ảnh hưởng: Các đảo phía Nam Nhật Bản.

Thời điểm đổ bộ: 28-29/8.

Thiệt hại: Gió mạnh và mưa lớn gây thiệt hại nặng nề tại Nhật Bản.

Siêu bão YAGI (Bão số 3 - trên Biển Đông):

Cường độ cực đại: Sức gió 260 km/h, giật 315 km/h, khí áp 915 mbar.

Khu vực ảnh hưởng: Quảng Ninh (Việt Nam), Philippines, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar.

Thời điểm đổ bộ: 7/9 tại Quảng Ninh với sức gió lên đến 223 km/h.

Thiệt hại: Lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực miền Bắc Việt Nam.

Siêu bão HELENE:

Cường độ cực đại: Sức gió 220 km/h, giật >250 km/h.

Khu vực ảnh hưởng: Bang Florida (Hoa Kỳ).

Thời điểm đổ bộ: 27/9.

Thiệt hại: Hơn 200 người thiệt mạng, 600 người mất tích, tổn thất kinh tế khoảng 40 tỷ USD.

Siêu bão MILTON:

Cường độ cực đại: Sức gió 285 km/h, giật 350 km/h, khí áp 897 mbar.

Khu vực ảnh hưởng: Bang Florida (Hoa Kỳ).

Thời điểm đổ bộ: 10/10.

Thiệt hại: Mang theo gió mạnh và mưa lớn, ghi nhận những thiệt hại đầu tiên về người và tài sản.

Các cơn bão - siêu bão trong năm 2024 có xu hướng gia tăng cả về số lượng và cường độ do biến đổi khí hậu và nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người trong tương lai.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: