Thảo luận trực tuyến về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Đăng ngày: 11-08-2022 | Lượt xem: 2459
Sáng ngày 11/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức thảo luận trực tuyến về mưa lớn, lũ quét sạt lở đất. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự và chỉ đạo cuộc họp.

Cùng dự có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục KTTV. Cuộc họp kết nối trực tuyến với một số Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết rạng sáng ngày 11/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió giật cấp 6. Một số địa phương đã có mưa rất to như Cô Tô (Quảng Ninh) 136,9mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 124,7mm, Ba Chẽ (Quảng Ninh) 116,2mm, Kiến An (Hải Phòng) 102,8mm…

Hoàn lưu vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc bộ. Do vậy, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp tại các tỉnh khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh (TP.Hạ Long, Cẩm Phả), Thanh Hóa.

Báo cáo tại cuộc họp, các chuyên gia và các dự báo viên của Trung tâm đã cùng thảo luận, chia sẻ về vấn đề mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Quy trình ra bản tin nhanh cảnh báo lũ quét sạt lở đất. Cụ thể: Đầu tiên sẽ theo dõi lượng mưa thực tế 6h (mưa phân tích tự động và radar) và dự báo 3 giờ tiếp theo (từ ngoại suy radar) tổng lượng mưa cần đạt ngưỡng trên 100mm. Tiếp theo kiểm tra bản đồ hiện trạng độ ẩm đất tại khu vực đang theo dõi thông qua hệ thống FFGS (Hệ thống cảnh báo lũ quét sạt lở đất của WMO: ngưỡng bão hòa là trên 85%. Nếu đạt đủ hai chỉ tiêu trên thì Trung tâm ban hành bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đối với các khu vực được phân vùng là nguy cơ cơ cao, rất cao (theo sản phẩm của Viện Khoa học KTTV và BĐKH và Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản).

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Tại cuộc họp thảo luận, Trung tâm cũng giới thiệu với các đại biểu dự họp các thử nghiệm dự báo mô hình mới mà Trung tâm đang chạy thử, bước đầu đã có một số kết quả. Trung tâm cũng hướng dẫn địa phương và các cơ quan ở tỉnh, huyện sử dụng các kết quả, sản phẩm tính toán lũ quét sạt lở đất và nhấn mạnh vai trò của các cơ quan dự báo, cảnh báo địa phương trong việc tăng cường cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

Các Đài KTTV tỉnh cũng báo cáo tình hình mưa, lũ hiện tại trên địa bàn các tỉnh. Đài KTTV tỉnh Hòa Bình cho biết lượng mưa do bão số 2 và hoàn lưu sau bão trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 70 đến 120mm, có nơi quan trắc mưa trên 200mm. Đài đã gửi thông tin bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đến các địa phương có nguy cơ để chủ động phòng tránh. Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết Đài đã phối hợp chặt chẽ với địa phương. Đài đã ra 3 bản tin lũ quét, sạt lở đất và gửi đến Ban chỉ huy các huyện bằng email.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Hồng Phong phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao công tác dự báo, cảnh báo diễn biến cơn bão số 2 của Trung tâm. Hoàn lưu sau bão số 2 sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc bộ do đó nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Để nâng cao hiệu quả cũng như hạn chế các thiệt hại do các thiên tai sau bão mưa lũ, sạt lở gây ra, ông đề nghị Trung tâm hoàn thiện một số công tác sau: Xây dựng cơ sở dữ liệu về lũ quét, sạt lở đất trong 10 năm gần đây, nghiên cứu từng trường hợp lũ quét, xác định các nguyên nhân. Ngoài các dữ liệu về địa chất thì các thông tin về khu vực nguy hiểm, kinh tế xã hội của các địa phương cũng cần bổ sung và hoàn thiện. Xây dựng và thành lập một bộ phận chuyên trách về vấn đề lũ quét, sạt lở đất, xác định những nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, qua đó từng bước nâng cao chất lượng bản tin lũ quét, sạt lở đất.

Cần nâng cao vai trò của cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai tại địa phương, vai trò của các cơ quan lực lượng PCTT ở địa phương, vì đây là lực lượng vô cùng quan trọng. Chính các địa phương sẽ là người cung cấp các thông tin, cập nhật tình hình địa phương chính xác và nhanh nhất từ đó đưa ra các cảnh báo chính xác. 

Toàn cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: