Để sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Đăng ngày: 12-05-2020 | Lượt xem: 5373
Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ CON ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐÃ CHỌN

Đó là mục tiêu và con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn mục tiêu và con đường này khi trở thành người cộng sản cuối năm 1920. Đến Hội nghị ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa vào Cương lĩnh chính trị đầu tiên chiến lược: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Nếu diễn đạt như sau này thì là: làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Cần khẳng định rằng, Cương lĩnh chính trị đúng đắn của Đảng ngay từ khi mới ra đời là một sự bảo đảm chắc chắn nhất cho thành công của cách mạng Việt Nam trong suốt các thời kỳ phát triển.

Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách, trong đó có những thử thách tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhưng nhờ kiên định mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và Đảng đã khẳng định trong các cương lĩnh chính trị của mình, nên đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một dân tộc chịu ách nô lệ của thực dân, phong kiến, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam đã kiên cường, anh dũng đánh thắng những thế lực ngoại xâm, đế quốc hùng mạnh để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một dân tộc tiên phong trên thế giới của thế kỷ XX - thế kỷ phi thực dân hóa; tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có sự nghiệp đổi mới gần 35 năm nay với những kết quả to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang xây dựng và phát triển trong điều kiện của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, xuất hiện sự đan xen thời cơ và thách thức rất lớn. Các thế lực thù địch luôn ra sức tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam, muốn làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình phát triển đất nước. Đứng trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân ta càng phải quán triệt hơn nữa mục tiêu và con đường phát triển dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, coi đó là nguyên tắc bất di bất dịch, vì nếu xa rời nguyên tắc đó thì chắc chắn mọi thành quả của cách mạng Việt Nam sẽ bị tiêu tan.

ĐẨY MẠNH VIỆC ĐỔI MỚI XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân (mà sau này được gọi là hệ thống chính trị), trong đó đặc biệt là xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho hệ thống chính trị luôn trong sạch, vững mạnh, nổi lên như một nhân tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người luôn nhất quán với quan điểm: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(2). Để sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa trong giai đoạn cách mạng mới, phải tiếp tục đổi mới việc xây dựng hệ thống chính trị, trong hệ thống chính trị đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo; phải đặc biệt tiếp tục coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đất nước ta đang đứng trước nhiệm vụ phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Muốn đạt được những mục tiêu nhiệm vụ trên, việc xây dựng hệ thống chính trị phải bảo đảm trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đó cũng là quá trình tích cực nhất đáp ứng “điều mong muốn cuối cùng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(3). Đó cũng là nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang… một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ nay cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(4). Thực hiện tốt nhiệm vụ đó cũng là tích cực thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và cụ thể là đường lối đổi mới của Đảng đã xác định vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống trong tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, kiên định mục tiêu phát triển của đất nước, hoạch định đúng đường lối; nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên, trước hết và quan trọng nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ chiến lược; thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật của Đảng.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, cần tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa nội dung, phương thức công tác tư tưởng, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Xử lý đúng đắn và kịp thời các vấn đề tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn để tìm tòi, rút ra những vấn đề lý luận đúng đắn định hướng cho việc hoàn thiện đường lối, chính sách, chủ trương xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước trong tình hình thời cơ và thách thức ngày càng lớn. Thường xuyên tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong hệ thống chính trị nói chung và trong Đảng nói riêng.

Tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng về tổ chức phải nhằm vào đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên kết nạp những người ưu tú vào Đảng đồng thời kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có đủ đức - tài, xử lý nghiêm minh, đúng Điều lệ và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật, bất kể người đó giữ chức vụ nào và người đó đã chuyển công tác hoặc đang nghỉ hưu.

Phải kiên định mục tiêu và con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó chính là bài học lớn nhất từ hơn 90 năm hoạt động của Đảng, là thái độ tích cực nhất khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự cụ thể hóa có giá trị nhất trong việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức cũng là thực hiện một trong những nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ĐảngĐại hội XII của Đảng nhận định: “Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng”(5). Tuy nhiên, việc này “chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức”(6). Trong thời gian tới, tính hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn là một điểm nhấn đáng chú ý trong xây dựng hệ thống chính trị.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới còn là sự tập trung ưu tiên vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Một là, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với việc “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(7). Hai là, đổi mới mạnh mẽ và nâng cao có hiệu quả chất lượng công tác cán bộ. Ba là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Yêu cầu đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta còn phải là đề ra những giải pháp có tính đột phá. Đó là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. Đó là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương đi đôi với việc tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ trong đó đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng tốt yêu cầu cách mạng. Đó là kiên quyết đấu tranh chống mọi tiêu cực, trong đó đặc biệt là tham nhũng/tham ô, lãng phí, quan liêu - những tiêu cực này Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “giặc nội xâm” - đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát thật chặt chẽ quyền lực đã trao cho từng cán bộ lãnh đạo các cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần thể hiện khát vọng của bản thân mình đối với vị thế của đất nước Việt Nam. Trong Di chúc, Người viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(8). Hối hận thì không, nhưng tiếc thì có; không phải là tiếc chưa có vật chất đủ đầy, không phải là vì tiếc buộc phải rời bỏ quyền cao chức trọng mà tiếc là không còn được sống lâu hơn nữa để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ thật trung thành cho dân. Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Với chức vụ Chủ tịch nước của mình, Người tuyên bố: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì rất vui lòng lui”(9). Người bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(10). Khát vọng cháy bỏng đó còn được thể hiện ở mong muốn của Người: “làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu… dân tộc Việt Nam… bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”(11).

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thiết thực nhất là toàn Đảng, toàn dân phải biến những điều tiếc nuối, những ham muốn tột bậc, điều mong ước cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành bản lĩnh chính trị vững vàng, bồi dưỡng cho cái tâm thêm trong sáng, nâng cái tầm trí tuệ cho thêm cao, gia cường ý chí hành động cách mạng thêm cho hiệu quả.

Việc phấn đấu vì một đất nước Việt Nam phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI - theo cách diễn đạt của Đảng ta hiện nay - cũng là sự đồng trục, sự tiếp nối và sự nhân lên khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng đó cần được khảm vào tâm trí, tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam yêu nước để xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “người anh hùng dân tộc vĩ đại”(12), “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”(13), “danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế”(14). o

GS.TS. Mạch Quang Thắng

___________________________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.23, tr. 289.

(3) (4) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 624, 617, 615.

(5) (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.187, 193, 202.

(9) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187, 187, 35.

(12) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.627 và Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.474.

(13) (14) Dẫn lại Nghị quyết của Đại Hội đồng UNESCO khóa 24 năm 1987 trong cuốn: UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.71-72, 71.

Theo baomoi.com

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: