Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục KTTV trả lời như sau:
Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp Đổi mới và phát triển. Những thành tựu khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
Đối với ngành khí tượng thủy văn, cho đến nay hầu hết các thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực quan trắc, truyền tin, dự báo, cảnh báo KTTV. Ngành Khí tượng Thủy văn đã tích cực tiếp cận và mở rộng ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quan trắc, thông tin dữ liệu và cung cấp bản tin dự báo hằng ngày, hằng giờ. Trong đó, dự báo tác động của các loại hình thiên tai đang dần thay thế cho các dự báo hiện tượng; các sản phẩm thông tin khí tượng thủy văn từng bước được xây dựng theo định hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ hiểu hơn, đa dạng hơn, vừa phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước, nhưngcũng phải được xác định là thông tin đầu vào phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch và triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các bộ,ngành, địa phương.
Vai trò của KHCN đối với ngành KTTV là rất lớn, để đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời, các thiết bị máy móc đã được nâng cấp với công suất cao hơn, tự động hóa nhiều hơn và vấn đề mấu chốt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đối với công tác dự báo, việc ứng dụng công nghệ dự báo, xử lý số liệu, dự báo số trị luôn được phát triển và hiện nay là những mô hình dự báo được chạy trên hệ thống siêu máy tính (kiến trúc tính toán dạng MPP) đầu tiên tại Việt Nam (CrayXC40). Hệ thống CrayXC40 được trang bị 56 máy chủ tính toán với trên 2100 bộ vi xử lý, cho phép đạt năng lực tính toán đạt xấp xỉ 80TFLOPS và thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2-3 km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông, dự báo 03 ngày trong thời gian 30-40 phút. Đây là hệ thống tính toán giành cho bài toán dự báo khí tượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á, tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore.
Nhờ nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào nghiệp vụ dự báo, dự báo bão ở Việt Nam đã nâng được thời hạn dự báo lên 5 ngày mà vẫn đảm bảo độ tin cậy như các nước tiên tiến. Đã triển khai dự báo thời tiết điểm chi tiết cho khoảng 600 điểm trên toàn quốc. Dự báo không khí lạnh, nắng nóng, khô hạn đạt yêu cầu của xã hội. Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24-48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày đạt độ tin cậy.
Ngoài ra, Tổng cục KTTV đã triển khai công nghệ dự báo tổ hợp gồm các hệ thống dự báo tổ hợp thời tiết hạn ngắn phân giải cao (SREPS) có 32 dự báo thành phần với độ phân giải 9 km và hệ thống dự báo tổ hợp thời tiết hạn vừa từ 5-10 ngày của Châu Âu gồm 51 dự báo thành phần với độ phân giải 16 km.
Dự báo mưa, lũ cũng ở mức khá trong khu vực và ở mức trung bình so với các nước tiên tiến. Minh chứng là Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã giao Việt Nam đảm nhiệm vai trò Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á và Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo lũ quét về cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á để hỗ trợ các thành viên ASEAN trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.