Tiêu chí phân cấp thang báo động lũ và một số biện pháp phòng tránh đối với từng cấp báo động lũ.

Đăng ngày: 25-10-2021
Ông: Đào Văn Đậu
Địa chỉ: TP. Đà Nẵng
Câu Hỏi: Vào mùa lũ, các bản tin dự báo thường thông báo các thang báo động lũ: cấp I, cấp II, cấp III. Xin hỏi, dựa vào tiêu chí nào để phân cấp thang báo động lũ và một số biện pháp phòng tránh đối với từng cấp báo động lũ.

Vụ Quản lý Dự báo KTTV Tổng cục KTTV xin trả lời như sau:

1. Tiêu chí phân cấp thang báo động lũ:

Việc phân cấp báo động lũ được căn cứ theo Điều 3 Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước, cụ thể nguyên tắc phân cấp báo động lũ:

1) Cấp báo động lũ là sự phân định cấp độ của lũ. Mỗi cấp độ lũ được xác định thông qua một giá trị mực nước tương ứng quy định tại các trạm thủy văn trên sông, suối, phản ánh mức độ nguy hiểm của lũ cũng như mức độ ngập lụt do lũ gây ra.

2) Cấp báo động lũ được phân thành ba cấp căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế - xã hội trên khu vực.

Để cụ thể hóa quy định nêu trên, ngày 31/8/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật xây dựng mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ. Theo đó, để xác định được các cấp báo động lũ: cấp I, cấp II và cấp III, cần phải thực hiện 7 bước sau:

2.1. Thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, địa hình và đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng.

2.2. Điều tra, đo đạc, khảo sát bổ sung thông tin, dữ liệu.

2.3. Phân tích đặc điểm lũ, tính toán phân cấp lũ và lập bản đồ hiện trạng ngập lụt.

2.4. Tính toán mô phỏng lập bản đồ lũ, ngập lụt và lập bản đồ rủi ro do lũ, ngập lụt tương ứng với các cấp mực nước.

2.5. Phân tích, đánh giá, xác định giá trị mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ.

2.6. Tham vấn ý kiến chuyên gia và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. 7. Xây dựng báo cáo kết quả.

2. Một số biện pháp phòng tránh đối với từng cấp báo động lũ

Để chủ động trong công tác phòng tránh lũ, ngập lụt, các cấp, các ngành và người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn được các cơ quan báo chí truyền thông đăng tải như: Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương, các cơ quan báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoặc truy cập trên website chuyên ngành của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tại các địa chỉ: nchmf.gov.vn; thoitietvietnam.gov.vn; kttv.gov.vn và trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn https://kttvqg.gov.vn/; vnmha.gov.vn và trong các bản tin dự báo này đều có các thông tin cụ thể về giá trị mực nước tương ứng với cấp báo động lũ tại từng thời điểm dự báo và cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt gây ra tại khu vực dự báo./.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại mục 2 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp trong ứng phó lũ, ngập lụt ứng với từng cấp độ rủi ro thiên tai. Tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, dân sinh kinh tế - xã hội, mỗi địa phương sẽ tự xây dựng phương án ứng phó cụ thể với từng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, trong đó bao gồm các biện pháp phòng tránh lũ, ngập lụt.