Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục KTTV trả lời như sau:
Theo Quyết định 18/2021/QĐ-Ttg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, tại Điều 5. Giải thích từ ngữ thì các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống, trong đó:
+ Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được
+ Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc
+ Lũ bất thường là lũ xuất hiện trước hoặc sau mùa lũ hoặc lũ được hình thành do mưa lớn xảy ra trong phạm vi nhỏ, hồ chứa xả nước, do vỡ đập, tràn đập, vỡ đê, tràn đê.
2. Lũ quét: là lũ xảy ra bất ngờ trên sườn dốc và trên các sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh có sức tàn phá lớn.
3. Lũ ống được hiểu như sau: Lũ ống thường xảy ra trên các lưu vực nhỏ, miền núi, nơi có địa hình khép kín bởi các dẫy núi bao quanh và chỉ thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng (dạng ống). Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về thung lũng, làm nước dâng cao gây ngập lụt vùng thung lũng và lũ lớn tại các cửa hang, khe, suối nhỏ hẹp và chuyển động nhanh chóng về phía hạ lưu.
Lũ ống cũng có thể xảy ra ở những khu vực núi đá vôi, nơi thường có các hang động, hồ chứa ngầm được thông với bên ngoài bằng những cửa hang, khe núi nhỏ, hẹp. Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về các hồ, động ngầm, làm mực nước dâng cao, có áp lực lớn gây ra lũ ống tại các cửa ra. Lũ ống gây ngập lụt vùng thung lũng, đặc biệt có sức tàn phá rất lớn khu vực phía dưới cửa ra, quét mọi thứ gặp phải trên đường đi.