Ứng xử của con người trước hiện tượng biến đổi của thời tiết

Đăng ngày: 21-10-2021
Ông: Trần Đức Minh
Địa chỉ: Nghệ An
Câu hỏi: Dân gian ta có câu: “Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”. Đây là một câu tục ngữ, có 2 vế, mô tả 2 sự tình. Mỗi sự tình gắn với 2 trạng thái ứng xử của con người trước hiện tượng biến đổi của thời tiết: Một sự tình đáng lo và một sự tình ung dung, chẳng lo gì. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, cơn đằng Đông dứt khoát có mưa. Vào mùa Hạ nắng nóng, rất dễ xảy ra những cơn mưa bất thường. Dấu hiệu rõ nhất, bắt buộc phải có trước khi mưa là mây đen xuất hiện. Mây thì có thể kéo lên ở 4 phương 8 hướng. Nhưng nếu mây kéo đen kịt từ phía đằng Đông thì chắc chắn có mưa. Mây đằng Đông là mây kéo vào từ phía biển. Theo các nhà khí tượng học, khi trời nắng nóng, mặt đất nóng lên rất nhanh bởi hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời. Lúc đó các luồng không khí nóng ẩm bốc cao, giao hòa với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn (từ đại dương). Hiện tượng đối lưu không khí rất mạnh này xảy ra làm luồng không khí có nhiệt độ thấp mang hơi ẩm tràn xuống phía dưới. Ta thấy mây đen xuất hiện ngày một nhiều và gây mưa, dông, và có thể kèm theo loại hình thời tiết nguy hiểm khác.

Thứ hai, khoảng thời gian có mây đến có mưa diễn ra rất nhanh. Rất nhiều hôm đang nắng Hè chói chang, trời đột nhiên xuất hiện mây đen phía Đông, ùn ùn kéo tới, nhanh đến mức không kịp trở tay.

Còn câu nói “Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”, ý chỉ rất “lành” không đáng lo, là do những tính chất hình thành trái ngược và không đủ điều kiện khiến thời tiết trở nên đột biến. Mây tụ rồi mây tan. Nếu có mưa thì mưa sẽ đến từ từ, mưa do gió từ đất ra (khô), không thể có giông tố xảy ra. Ai cũng có thể ‘vừa làm vừa chơi’, có thể yên tâm.