Từ đặc điểm trong cấu trúc của bão và thực tế quan trắc về bão, có thể rút ra các điều kiện cần thiết để hình thành bão như sau:
1. Điều kiện nhiệt lực: Không khí thăng lên trong bão phải nóng hơn không khí ở môi trường xung quanh và trong dòng không khí thăng lên phải rất giàu hơi ẩm. Vì thế, bão chỉ có thể hình thành và phát triển trên các đại dương và vùng biển thoáng. Vào năm 1948, nhà khí tượng Erik Palmen đã tìm ra rằng, bão và áp thấp nhiệt đới chỉ có thể hình thành và phát triển khi nhiệt độ nước biển đạt ít nhất 26 - 27oC. Giá trị nhiệt độ 26 - 27oC có liên quan đến quá trình đối lưu của khí quyển. Điều này giải thích tại sao bão hình thành nhiều nhất vào thời kỳ cuối mùa nóng khi nhiệt độ mặt nước biển là cao nhất.
2. Điều kiện động lực: Không khí xung quanh một cơn bão phải có chuyển động xoáy vào tâm. Chuyển động xoáy vào tâm là phần cơ bản của hoàn lưu bão.
3. Bão thường hình thành và phát triển trên nền dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ), trong các nhiễu động của sóng đông,… Những kết quả nghiên cứu của Gray (năm 1968) cho thấy, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có tới 85 - 90% số cơn bão hình thành trên ITCZ.
Có phải kích thước của bão càng lớn thì cường độ của bão càng mạnh?
Chắc chắn rằng kích thước của bão không tỷ lệ thuận với cường độ của bão và không thể hiện cho cường độ bão. Không phải cơn bão nào có kích thước lớn đều là những cơn bão có cường độ mạnh và có sức tàn phá lớn. Cơn bão số 6 (XANGSANE) tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Đà Nẵng, có phạm vi bán kính gió mạnh rất nhỏ.
Theo số liệu ghi được, bán kính trên cấp 10 của cơn bão chỉ khoảng 80km nhưng đã gây ra gió mạnh cấp 13 ở thành phố Đà Nẵng. Cơn bão ANDREW năm 1992 là cơn bão rất mạnh, có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong thế kỷ vừa qua lại có kích thước tương đối nhỏ.