Tại sao khi đi vào đất liền thì bão, áp thấp nhiệt đới thường bị suy yếu và tan đi, trong khi đó vùng áp thấp thì lại không ?
Nguyên nhân chính để giải thích là do sự khác nhau về điều kiện hình thành và phát triển giữa bão, áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp thông thường. Điểm giống nhau là cả hai đều là những vùng có khí áp ở vùng trung tâm là thấp nhất và có gió thổi xoáy vào trung tâm.
Nhưng sự khác biệt là ở chỗ, bão và ATNĐ hình thành và phát triển trên các vùng biển nóng (từ 260C - 270C), một trong những nguồn năng lượng chính cung cấp cho chúng là điều kiện nhiệt và ẩm (mà chỉ trên biển mới có), khi vào đất liền, nguồn năng lượng đó không còn được duy trì, đồng thời do ma sát bề mặt lớn, vì thế nó suy yếu nhanh chóng và tan dần.
Ngược lại, các vùng áp thấp thông thường có thể hình thành ngay trên đất liền hoặc trên biển, điều kiện tồn tại và phát triển của chúng không phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà đại dương cung cấp, nó chỉ phụ thuộc chính vào hoàn lưu khí quyển ở các mực trên cao, chính vì thế dù chúng ở trên biển hay khi đi vào đất liền thì cường độ của chúng không hề suy giảm.