Giải đáp thắc mắc về Dự báo mưa và Dự báo thời tiết

Đăng ngày: 24-12-2018
Họ Tên: Bành Thị Ngọc
Địa chỉ: Quảng Ngãi
Email: banhngoc37@gmail.com
Hỏi: Cho tôi hỏi một số câu hỏi như sau: Câu 1: Dự báo mưa trong các bản tin thời tiết được phân chia thành mấy dạng ? Câu 2: Trong các bản tin dự báo thời tiết khi nào báo mưa vài nơi ? Dự báo có nơi và vài nơi có giống nhau hay không ? Câu 3: Trong thực tế có thể làm mưa nhân tạo được không ? Nguyên tắc để làm mưa nhân tạo ?

Mưa được phân chia thành mấy dạng ?

Dạng mưa được định nghĩa theo các đặc tính của mây mưa, nó đặc trưng cho tầng kết khí quyển và liên quan chặt chẽ đến hệ thống thời tiết. Người ta phân chia thành hai dạng chính là dạng mưa ổn định và dạng mưa bất ổn định:

Mưa ổn định là dạng mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển tương đối ổn định, tầng đẳng nhiệt, nghịch nhiệt thấp. Mưa ổn định thường do loại mây thấp, có độ dày mỏng, phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang che phủ bầu trời, ít phát triển thẳng đứng. Đặc trưng mây mưa chủ yếu dạng tầng, phổ biến là loại mưa nhỏ, mưa phùn và đôi khi kèm sương mù.

Mưa bất ổn định là dạng mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển bất ổn định. Mưa bất ổn định thường xảy ra trong các loại mây đối lưu phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng có độ dày lớn mà không phát triển theo chiều nằm ngang. Đặc trưng cho dạng mưa bất ổn định là dạng mưa rào thời gian không kéo dài hoặc kéo dài không liên tục, ngắt quãng. Dạng mưa bất ổn định có thể kèm theo dông, đôi khi trong khoảng thời gian đó còn có thể xảy ra mưa đá.

Trong các bản tin dự báo thời tiết khi nào báo mưa vài nơi ? Dự báo có nơi và vài nơi có giống nhau hay không ?

Dựa trên các đặc trưng chung về điều kiện địa lý, địa hình, tính đồng nhất tương đối về mặt khí hậu, thời tiết hoặc dựa trên địa giới hành chính, khu vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh và quốc phòng hoặc theo yêu cầu phục vụ chuyên ngành nào đó mà cơ quan dự báo thời tiết hạn ngắn phân chia và quy định khu vực dự báo thời tiết. Khu vực dự báo thời tiết không nhất thiết tương đương về mặt diện tích và có thay đổi, điều chỉnh lại sao cho phù hợp với thực tiễn.

Trên mỗi khu vực dự báo có đặt một số trạm quan trắc khí tượng thủy văn đại diện cho khu vực đó. Ví dụ ở khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm, phía Đông Bắc Bộ có 33 trạm,.. Dựa vào số trạm quan trắc trên một khu vực dự báo để đưa ra một quy định chung: Nếu hiện tượng mưa xảy ra ở một khu vực dự báo nào đó mà số trạm quan trắc được mưa ít hơn hoặc bằng 1/3 tổng số trạm quan trắc của khu vực dự báo đó thì khu vực đó được gọi là có mưa vài nơi. Ví dụ khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nếu có tối đa 6 trạm quan trắc được mưa, khi đó trong bản tin dự báo sẽ có cụm từ “Có mưa vài nơi”.

Cụm từ “Vài nơi” và “Có nơi” giống nhau về ý nghĩa không gian nhưng được đặt ở vị trí khác nhau trong một câu của bản tin dự báo thời tiết nhằm tránh  lặp lại cụm từ để chỉ hai hiện tượng thời tiết khác nhau xảy ra trong cùng khoảng thời gian dự báo nhưng với phạm vi tương đương. Ví dụ: Nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù.

Trong thực tế có thể làm mưa nhân tạo được không ? Nguyên tắc để làm mưa nhân tạo?

Trong thực tế người ta có thể làm mưa nhân tạo, bằng cách phun vào trong mây chất xúc tác gây mưa. Phương pháp này đã thu được kết quả nhất định.

Muốn làm mưa nhân tạo, trước tiên là phải có những hiểu biết về mây. Mây có hai loại: một là "mây lạnh" toàn bộ hoặc một phần của mây này có nhiệt độ dưới 00C, hai là "mây ấm", toàn bộ loại mây này có nhiệt độ trên 00C. Mây lạnh có loại do toàn bộ tinh thể băng kết thành, có loại do tinh thể băng và giọt nước có nhiệt độ dưới 00C cùng nhau kết thành. Cũng có loại phía trên là những tinh thể băng và hạt nước đông lạnh, phía dưới là những giọt nước có nhiệt độ trên 00C tạo thành. Mây lạnh do toàn bộ tinh thể băng kết thành rất khó làm mưa nhân tạo. Mây lạnh mà có thể làm được mưa nhân tạo phải có những hạt nước rất lạnh bên trong. Như vậy, mây lạnh tự nhiên có thể thành mưa xuống phải có điều kiện vừa có hạt nước quá lạnh đông lại vừa có tinh thể băng. 

Để làm cho hạt nước quá lạnh trong "mây lạnh" trở thành tinh thể băng người ta dùng hai cách: một là, đioxit cacbon dạng rắn, chất này làm nhiệt độ trong mây giảm xuống, tạo thành những tinh thể băng; hai là, dùng hạt nhân ngưng kết, những hạt này có thể biến một phần những hạt nước quá lạnh kết thành tinh thể, hoặc hơi nước trong khu vực có những hạt nước quá lạnh biến thành tinh thể băng, hiện nay các nước thường dùng muối iođua bạc làm  hạt nhân ngưng kết.

Mây ấm tự nhiên không thể thành mưa rơi xuống, vì trong mây có nhiều hạt nước nhỏ, nhưng thiếu những hạt nước lớn. Chỉ khi nào trong mây có những hạt nước lớn, do tốc độ rơi của hạt nước to nhỏ không bằng nhau, quán tính rơi không bằng nhau sẽ có hiện tượng những hạt nước lớn "nuốt" luôn những hạt nước nhỏ, làm mình "to ra", tạo thành những giọt nước mưa rơi xuống. Bởi vậy, muốn làm mưa nhân tạo bằng mây ấm, phải đưa vào mây chất kích thích mang tính hút ẩm, như muối ăn, nước muối.

Nói chung có thể làm mưa nhân tạo khi có các điều kiện thuận lợi để tạo thành mưa như có các tinh thể băng hoặc hạt nước trong mây quá lạnh và có kích thước đủ lớn, có dòng thăng. Khi đó các tác nhân (muối, iôt bạc....) đưa vào sẽ có vai trò như chất xúc tác tạo thành mưa.