Thế giới nặng trĩu âu lo

Đăng ngày: 22-10-2021 | Lượt xem: 1238
Kinh tế đang trên đà hồi phục nhưng gặp nhiều trở ngại do sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới

Hội nghị các bộ trưởng tài chính tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong ngày 22-10 với hy vọng đề ra hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và giải quyết các vấn đề cấp bách khác như biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng tài chính APEC thừa nhận hoạt động kinh tế khu vực đang hồi phục nhưng chặng đường phía trước còn dài do sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ phục hồi giữa các quốc gia khác nhau.

Tại cuộc họp, các lãnh đạo tài chính đến từ 21 nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, tìm giải pháp cho những thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Vai trò của chính sách tài khóa và quản lý ngân sách cũng được thảo luận trong ngày 22-10.

Biến đổi khí hậu, đầu tư vào các dự án môi trường bền vững và loại bỏ dần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch cũng nằm trong chương trình nghị sự trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến tổ chức tại Glasgow - Anh vào cuối tháng này.

Thế giới nặng trĩu âu lo - Ảnh 1.

Các phương tiện bị mắc kẹt tại khu vực bị sạt lở do mưa lớn ở vùng Myagdi - Nepal hôm 20-10. Ảnh: REUTERS 

Cuộc họp diễn ra sau khi nghiên cứu trên tạp chí Lancet ngày 21-10 cảnh báo hoạt động khôi phục kinh tế sau đại dịch dựa vào nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người; làm trầm trọng nguy cơ mất an ninh lương thực, nước sạch, tình trạng nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm.

Theo phân tích hằng năm có quy mô thuộc loại lớn nhất của Lancet này, có đến 19% diện tích đất trên trái đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm 2020 và hơn 2 tỉ người bị đe dọa về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu.

 
 

Chưa hết, người dân tại 134 quốc gia đang đối mặt với nạn cháy rừng ở mức độ cao chưa từng thấy, trong khi thu nhập của hàng triệu nông dân và công nhân xây dựng sụt giảm do số ngày nắng nóng gay gắt gia tăng.

TS Maria Romanello, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Năm nay, chúng ta chứng kiến người dân hứng chịu các đợt nắng nóng dữ dội, lũ lụt chết người và cháy rừng. Đã đến lúc thế giới nhận ra rằng không ai an toàn trước biến đổi khí hậu".

Cảnh báo trên đang hiện hữu trước mắt: Giới chức Nepal và Ấn Độ cho biết gần 200 người đã thiệt mạng do mưa lũ và lở đất những ngày qua, trong khi các trận mưa lớn hơn được dự báo còn kéo dài.

Các chuyên gia cho rằng Nepal và Ấn Độ là nạn nhân của thời tiết cực đoan ngày càng khó đoán, vốn đã ảnh hưởng đến Nam Á trong những năm gần đây. Nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phá rừng, xây đập và phát triển quá mức.

Nepal ghi nhận 88 nạn nhân tử vong do mưa lũ và lở đất trong ngày 21-10. Cùng ngày, giới chức bang Uttarakhand - Ấn Độ xác nhận 55 người thiệt mạng, gồm 5 thành viên trong một gia đình bị chôn vùi do lở đất. Số người chết dự kiến tiếp tục tăng lên khi nhiều người vẫn còn mất tích. 

Theo Báo Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: