Thủy văn đón bão lũ!

Đăng ngày: 14-09-2024 | Lượt xem: 417
Cơn bão Yagi vừa qua sau những trận cuồng phong dữ dội, càn quét khắp các vùng miền từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ biển đến hải đảo...gây những hậu quả nặng nề cho biết bao địa phương thì hoàn lưu của bão gây mưa diện rộng đã kiến tạo lũ rất lớn cho các sông tàn phá miền bắc thật kinh hoàng.

Chúng tôi những người làm nghề khí tượng thủy văn mà chính xác là các quan trắc viên thủy văn đã ngày đêm hết vượt bão lại băng qua lũ, quên ăn, mất ngủ để quan trắc, đo đạc, thu thập số liệu... gửi về các đơn vị chuyên môn nhằm ra các bản tin dự báo kịp thời.

Các quan trắc viên Quý Hợi quan trắc mực nước sông Đáy tại Trạm Thủy văn Ba Thá, Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ lúc 17h ngày 14/9/2024

Nếu ngày thường công việc ấy vẫn diễn ra theo đúng thời gian quy định và đương nhiên các quan trắc viên chúng tôi phải đảm bảo để cập nhật liên tục không kể ngày hay đêm trong suốt 365 ngày trong 1 năm. Thế nhưng ngày bão, khi mọi người còn lo an toàn nhà cửa thì dân thủy văn chúng tôi lại đóng quân tại các Trạm để còn lo an toàn cho nhà Trạm, công trình quan trắc đo đạc, kiểm tra trang thiết bị máy móc... lúc nào cũng trong tư thế chủ động, sẵn sàng và có sẵn phương án khi không may có tình huống xấu.
Gió rít, bụi bay, cát tung, hay vật gì gì đó bay vèo vèo trước mặt đâu phải là chuyện hiếm vì công trình đo đạc thủy văn ở bờ sông, mép sông. Bão thường gắn liền với mưa có khi bão còn ở xa mà đã mưa to nước bắt đầu lên nhanh là chúng tôi đã phải tăng tần suất đo mực nước, đo lưu lượng theo quy phạm.
Mưa lũ, nước dâng cao, khu dân cư chân cầu Long Biên ngập trong nước sau bão số 3 vừa qua. Ảnh chụp ngày 10/9/2024.

 

Những ngày bão đến gió mạnh, mưa lớn việc đo đạc ấy vẫn phải băng qua gió, mặc kệ mưa dù nguy hiểm cận kề. Ngày bão tan anh chị em vừa lo dọn dẹp hậu quả của bão vừa lo đón lũ lên cao, cao nữa từng giờ, từng giờ một.
Bão Yagi năm nay thì tai quái vô cùng hoàn lưu sau bão của nó gây mưa lớn diện rộng cho miền bắc, mực nước tăng nhanh đến chóng cả mặt từng phút một. Các hệ thống sông miền bắc hứng lũ nhanh như một tia chớp liên tục tăng cấp báo động từ Báo động I, lên Báo động II, rồi Báo động III và trên Báo động III .
Việc dự báo lũ chi tiết, liên tục cho các hệ thống sông trong hoàn cảnh ấy càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội và cho công tác phòng chống thiên tai. Những số liệu mực nước thực đo tại các Trạm gửi về khi ấy là nguồn cấp đầu vào cho các bản tin dự báo.

Nước sông dâng cao sát cầu Long Biên. Ảnh chụp ngày 11/9/2024

Anh chị em quan trắc suốt trong gần 4 ngày liên tục vừa qua gồng mình, cố gắng để chuyển số liệu 1h/1 lần hoặc 30 phút/1lần về trung tâm dự báo quốc gia nhanh chóng, kịp thời. Việc di chuyển ra công trình đo, tuyến đo ngoài sông có những Trạm vô cùng khó khăn. Trạm thì ngập tới sân nhà, Trạm ngập vào nhà; Trạm thì muốn ra nơi đặt máy đã đi xa vài trăm mét mà đường lại ngập bì bõm, có điểm sâu tới mông.
Giải pháp lúc đó là anh chị em đến ca đo thì ở lại luôn công trình hết ca thì thay phiên. Mà công trình giếng tự ghi mực nước thì nó nhỏ hẹp đến nỗi ngả lưng xuống nền cho đỡ mỏi cũng cảm thấy chật chội, bí bách và ướt át.
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng khi lúc này trời đang hửng nắng, lũ rút dần nhìn lại chính chúng tôi cũng phải khâm phục bản thân mình đã vượt qua thật xuất sắc, đầy thuyết phục và đáng tự hào.
Những người lính thầm lặng mỗi khi được ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ tỉnh/ thành phố , quận/ huyện, xã/ phường điện xin cung cấp số liệu mực nước lại thấy vai trò của mình quan trọng hơn và ít ra là lúc ấy thấy mình được xã hội quan tâm nhất. Và bản thân còn an toàn, công trình còn nguyên vẹn cũng đã là một may mắn lớn nhất rồi.
Bảng theo dõi mực nước ở sông Đuống ngày 10/9 và 11/9 của các quan trắc viên, cứ tầm 30 phút đến 1h họ lại lao vào mưa, không quản thời tiết thực hiện nhiệm vụ.

 

Ai cũng biết các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên ...bị lũ quét, sạt lở đất, ngập diện rộng đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà đáng kể là người thương vong, mất tích, nhà cửa sập cuốn trôi theo lũ. Các bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở những nơi nguy hiểm ấy sau mấy ngày không liên lạc được rồi quay lại trả lời trên zalo là tin mừng nhất. Tất cả cùng thở phào, có lẽ gia đình của họ cũng tan được nỗi lo và hết cảnh mong ngóng chờ tin. Tôi tin chắc đã có những giọt nước mắt rơi vì xúc động, vì còn nhìn được thấy nhau trở về dù người về còn chưa hết hoảng sợ.
Dưới mái nhà khí tượng thủy văn chúng tôi là khoảng 500 trạm cơ bản trải từ bắc vào nam. Vị trí xa xôi, ít khi gặp nhau nhưng luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành, sự quan tâm, chia sẻ như tình đồng chí vậy.
Những ngày bão lũ vừa qua không chỉ lãnh đạo ngành, giám đốc các Đài khu vực, giám đốc Đài tỉnh động viên anh em đang làm nhiệm vụ mà các đồng nghiệp từ mọi miền tổ quốc liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi thăm chúng tôi. Sau những lần phát obs (phát số liệu) vừa qua, người uống ngụm nước, người gắp nhanh sợi mì tôm không người lái, người ngồm ngoàm cái bánh mì, người lấp đầy bụng bằng mấy bắp ngô non choẹt thu hoạch sau bão, người người ăn bát cơm nguội...đều vội vàng; thậm chí đến nói với nhau cũng vội nốt nhưng chúng tôi vẫn thấy ánh lên một điều là con ngưòi khi tượng thủy văn tuy nghèo nhưng rất giàu tình cảm, nặng tình nghĩa và cùng chung một tình yêu nghề tha thiết.
 
Bão lũ qua đi khi hoàn thành nhiêm vụ cơ quan, lũ hết báo động, hết việc tăng tần suất đo trở về đo thường ngày chúng tôi mới người thì yên tâm nghỉ ca, người thì ở lại trực tiếp. Bầu trời trong xanh, những tia nắng ấm, những làn gió nhẹ như tiễn ngày bão lũ đi xa, đi thật xa để sưởi ấm trái tim những người lính thầm lặng. Vâng! Chúc cho anh chị em ngành khí tượng thủy văn nói chung, quan trắc viên nói riêng luôn mạnh khỏe, bình an giữ trọn tình yêu với mây trời, sông nước.
14/09/2024
Tạ Thị Quý Hợi – Trưởng Trạm Thủy văn Ba Thá
Đài KTTV KV Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thuy-van-don-bao-lu-380021.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: