Chặng đường lịch sử của ngành KTTV Việt Nam được ghi dấu xác định từ ngày 03 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.
Từ quá khứ đến hiện tại, với bề dày lịch sử xuyên suốt 78 năm, Ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam luôn gắn bó song hành cùng nhịp đập phát triển của đất nước, bảo vệ sự bình yên cho mọi người, mọi nhà.
Trong suốt chặng đường lịch sử 78 năm ngành KTTV đã luôn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng. Đây là động lực thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giám sát mọi diễn biến về thời tiết, thủy văn trên cả nước; dự báo và cảnh báo thời tiết thủy văn hàng ngày, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên biển nhằm phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV, cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về KTTV đối với cộng đồng xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh cho Đất nước.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu về phòng, chống thiên tai và đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của Đất nước, ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, vừa dự báo, cảnh báo thiên tai giảm nhẹ thiệt hại đồng thời nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho ngành và ứng dụng trong nước và mở rộng phục vụ quốc tế nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Thông tin dự báo thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước ngoài mục đích giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, còn là tiền đề để góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau. Điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của khí tượng thủy văn ngày càng lớn hơn cũng như mong muốn và mục tiêu của ngành khí tượng thế giới nói riêng, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nói chung trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Với mục tiêu phát triển Ngành KTTV Việt Nam đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới, Ngành quyết tâm đi nhanh hơn, tích cực hơn. Ngành KTTV Việt Nam đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu hành động: “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời” liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng./.
Tạp chí KTTV