Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật tài nguyên môi trường

Đăng ngày: 15-01-2022 | Lượt xem: 601
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2022 là năm Bộ TN&MT sẽ xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản…

Trước yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế để huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi.

Trong năm 2021, Bộ tập trung sửa đổi Luật đất đai năm 2013; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường. Trong đó phải hoàn thiện và trình ban hành 2 Nghị định quan trọng là Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hoàn thiện Hệ thống pháp luật về TNMT

Ngoài ra, Bộ cũng hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm  huy động sự tham gia của các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển; hoàn thành và trình Chính phủ thông qua hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cũng trong năm 2021, Bộ đã đề xuất xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực biển và hải đảo, đặc biệt đã trình Chính phủ 2 dự thảo Nghị định quy định những chính sách rất mới như quản lý lấn biển thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, để chủ động tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo rất quyết liệt rà soát các quy định vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện 40 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và đã kiến nghị xử lý.

Năm 2022 là năm trọng điểm của công tác xây dựng pháp luật, bởi Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một trong những đạo luật quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và ngành tài nguyên môi trường nói riêng. Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Với nhiệm vụ này, Bộ TN&MT sẽ tập trung cao độ và huy động mọi nguồn lực cho quá trình xây dựng.

 

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng phải tập trung chuẩn bị dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2023 và lập đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2024.

Để văn bản pháp luật theo kịp sự phát triển của đời sống, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì song song với quá trình xây dựng luôn là quá trình sửa đổi, bổ sung. Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT; đồng thời chủ động và tích cực đẩy mạnh cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó là đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực thi pháp luật; đồng thời giúp Bộ TN&MT nắm bắt và kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật…

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: