Hiện đại hóa ngành KTTV: Coi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa thành công

Đăng ngày: 14-12-2020 | Lượt xem: 1779
“Với quan điểm nhất quán coi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa thành công của sự nghiệp hiện đại hóa và tự động hóa ngành khí tượng thủy văn (KTTV), là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030 và Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững”.

GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết như vậy, khi chia sẻ về vai trò và định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác dự báo, phòng chống thiên tai của đất nước.

Ảnh 1: GS.TS Trần Hồng Thái trao đổi với BTV Tạp chí KTTV

*Ưu tiên đầu tư vào con người

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, đã có 10 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/TP, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…Hàng loạt những hiện tượng thiên tai nguy hiểm diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, cũng đồng thời cho thấy vai trò tối quan trọng của thông tin KTTV trong đời sống con người.

Để có được những thông tin dự báo KTTV ngày càng nhanh, chính xác, cập nhật kịp thời, những năm qua, khoa học công nghệ trong lĩnh vực KTTV ở Việt Nam đã từng bước được nâng cấp, cải tiến. Công nghệ đo đạc được đầu tư tự động hoá, công nghệ dự báo số trị đã triển khai trong dự báo nghiệp vụ,... Để ứng dụng và làm chủ được các công nghệ tiên tiến hiện nay, nguồn nhân lực của ngành KTTV cũng cần được phát triển tương xứng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, nguồn nhân lực của ngành hiện có khoảng gần 3.000 công chức, viên chức và người lao động, trong đó số nhân lực có trình độ đại học trở lên khoảng gần 60% (tiến sĩ: 0,85%, thạc sĩ: 9,47%; đại học: 45,4%). Ngành KTTV đã chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành trang thiết bị, công nghệ mới thông qua nhiều hình thức như: Các chương trình hợp tác quốc tế, các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, sự chủ động của các đơn vị, cá nhân... Do đó, chất lượng nguồn nhân lực của ngành đã được nâng lên. Nhiều cán bộ trong ngành được cử đi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Australia, New Zealand..., qua đó đã tiếp cận được nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại của thế giới áp dụng vào tác nghiệp tại các đơn vị của ngành, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm KTTV.

Ảnh 2: Các cán bộ KTTV làm chủ công nghệ dự báo hiện đại

Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, để đưa ra những sản phẩm dự báo tin cậy và kịp thời, các thiết bị máy móc đã được nâng cấp với công suất cao hơn, tự động hóa nhiều hơn, các cán bộ KTTV sẽ làm việc với hàng trăm nguồn dữ liệu thông tin khác nhau từ các trạm quan trắc, từ vệ tinh, từ radar, từ các nguồn chia sẻ của bạn bè quốc tế, sẽ cần giải bài toán xử lý số liệu lớn, phải nắm vững và làm chủ cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các phương pháp đồng hóa xử lý số liệu, khai thác sử dụng số liệu (data mining) và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong từng khâu của quy trình tác nghiệp.

“Do vậy, chúng tôi luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư vào con người, liên tục ưu tiên tuyển dụng cán bộ giỏi, có năng lực đồng thời tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao, trao đổi kiến thức và công nghệ với các đối tác đào tạo”, GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

*Cần đổi mới công tác đào tạo

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dự báo KTTV trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ngành KTTV đã được định hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa, với quan điểm “Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại hoá; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có”.

Để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực KTTV, GS.TS Trần Hồng Thái cho rằng, cần phải xác định được vị trí việc làm trong ngành KTTV phải phù hợp với thực tiễn hội nhập quốc tế, hiện đại hoá, tự động hoá. Các cán bộ của ngành cần được đào tạo thêm về kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin, viễn thông, bắt nhập nhanh với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại Cách mạng 4.0.

Cùng với đó, với xu thế tất yếu của dịch vụ thông tin KTTV phát triển, chắc chắn sẽ hình thành, phát triển thị trường KTTV, do đó, nguồn nhân lực KTTV sẽ bao gồm cả khối tư nhân. “Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV, đến 2030, Nhà nước chỉ thực hiện phần phục vụ công ích, phần lõi. Còn lại khuyến khích khối tư nhân thực hiện theo phương thức đặt hàng, kinh tế thị trường, khi đó, nhu cầu nhân lực cho khối tư nhân là rất lớn”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nhận định.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, GS.TS Trần Hồng Thái đề nghị, cần phải đổi mới công tác đào tạo.

Cụ thể, về hình thức đào tạo: Đào tạo cán bộ kĩ thuật nên được triển khai dưới nhiều hình thức đào tạo để hoàn thành các mục tiêu chung của công tác xây dựng năng lực nhân sự KTTV và để chuẩn bị đối mặt với những thách thức mới. Mỗi hình thức đào tạo có nhóm đối tượng và chủ đề đào tạo riêng. Trong đó, đào tạo nâng cao (tiến sĩ, thạc sĩ): Ưu tiên các cán bộ KTTV phụ trách nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, và hoạch định chính sách. Đào tạo tại chức dành cho các cán bộ kĩ thuật cần nâng cao trình độ học vấn cơ bản.

Đào tạo bổ sung kĩ thuật và ngoài kĩ thuật: Các nội dung đào tạo nên được phát triển dựa trên nhu cầu đào tạo của cán bộ kĩ thuật để cung cấp kiến thức và kĩ năng cập nhật và để thích nghi với những thay đổi của hệ thống khí tượng thủy văn trong tương lai gần.

Trong bối cảnh cán bộ KTTV làm việc ở các địa bàn xa xôi, có thể đào tạo trực tuyến (online), áp dụng với một số khóa đào tạo tại chức hoặc các khóa đào tạo bổ sung (ví dụ khóa học tiếng Anh, khóa học về bảo trì, xử lý sự cố và sửa chữa những lỗi thiết bị nhỏ).

Về chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo phải được phát triển phù hợp với các nhóm mục tiêu và tập trung vào cả lý thuyết và thực hành (tập trung nhiều hơn vào thực hành). Nội dung đào tạo nên được cập nhật với các xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành KTTV.

Về học liệu đào tạo: Tất cả các hoạt động đào tạo cần có hỗ trợ từ những tài liệu tham khảo. Nội dung đào tạo cần được điều chỉnh phù hợp cho từng nhóm mục tiêu và được hỗ trợ bởi các biểu đồ, sơ đồ và tranh ảnh phù hợp. Các hướng dẫn, tài liệu học tập phải được xây dựng tốt và ngắn gọn về nội dung. Các tài liệu đào tạo cũng nên có ở dạng số hóa và được cài đặt thống nhất trong máy tính của học viên. Hướng dẫn sử dụng và tài liệu hướng dẫn của các thiết bị/dụng cụ mới, mô hình mới phải được dịch chính xác sang tiếng Việt và gồm những chỉ dẫn vận hành và bảo trì.

Đối với vấn đề đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho lớp cán bộ hiện đang công tác trong ngành, các tài liệu nên được biên soạn thành các khóa đào tạo tại chức cho cán bộ kĩ thuật KTTV để nâng cao trình độ học vấn.

“Với sự đổi mới thực sự trong công tác đào tạo cùng ý thức, nỗ lực tự học hỏi, tự rèn luyện và trách nhiệm với công việc của mỗi cán bộ KTTV, ngành KTTV hướng tới mục tiêu đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á; phấn đấu đến năm 2025 - 2030 có hệ thống quan trắc hoàn chỉnh, tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; công nghệ dự báo và hệ thống thông tin chuyên ngành được đầu tư chiều sâu với các bản tin dự báo KTTV có chất lượng cao, hướng tới dự báo, cảnh báo tác động, đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững của đất nước và giám sát biến đổi khí hậu”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ.

Tống Minh

Box: Ngành KTTV hiện có gần 3.000 cán bộ đang làm việc. Nguồn cung cấp nhân sự ở trình độ Đại học và sau Đại học cho ngành ở trong nước có các cơ sở đào tạo với quy mô lớn như: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Thủy lợi, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Hàng năm, các cơ sở đào tạo cung cấp cho xã hội khoảng 50-70 cử nhân ngành Khí tượng và khoảng 80- 200 cử nhân/kỹ sư ngành Thủy văn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: