Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020

Đăng ngày: 14-07-2020 | Lượt xem: 1050
Ngày 13/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 tại thành phố Lào Cai.

Hội nghị với sự chủ trì của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và khoảng 300 đại biểu bao gồm đại diện thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các Bộ, ngành; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; Lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố, cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN 13 tỉnh, thành phố và đại diện một số cơ quan liên quan.

Hội nghị nhằm cùng thảo luận, phân tích các kết quả cũng như hạn chế của công tác phòng chống thiên tai năm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, để đề ra các giải pháp hết sức thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra, trong đó tập trung một số nội dung chính: Công tác đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu; Tập trung khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, trước mắt tập trung công tác khắc phục thiệt hại do dông lốc, mưa đá từ đầu năm 2020.

Trong năm 2019, tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 13 trong tổng số 21 loại hình thiên tai, trong đó có 74 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 7 đợt nắng nóng; 9 trận động đất, làm 42 người chết, mất tích (cả nước 133 người), 19.186 ngôi nhà hư tại, tốc mái; 11.538 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 58.000m3 đất, đá, bê tông đường giao thông bị sạt lở… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 753 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay tại khu vực này đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; đặc biệt mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 tết Nguyên đán, một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất vào hồi 13 giờ 12 phút, ngày 16/6/2020 với độ lớn 4,9 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) tại Mường Tè (Lai Châu). Tính đến ngày 9/7/2020, thiên tai trong khu vực đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 ngôi nhà bị sập, 52.015 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực còn hạn chế, nhiều công trình xuống cấp, thiếu gắn kết với công tác phòng. chống thiên tai, chịu tác động rất lớn của mưa lũ, sạt lở, nhất là các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn; thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng; còn nhiều khi chưa phát hiện kịp thời các khu dân cư, công trình có nguy cơ sạt lở, các ao hồ không an toàn, các khe suối đang tắc nghẽn, tích tụ nước nguy cơ gây lũ ống, lũ quét hoặc ứng phó kịp thời khi chưa có lực lượng chi viện của cấp trên đang phổ biến ở nhiều địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra an toàn nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao; các khe suối bị tắc nghẽn; các ao, hồ, đập trưc nước, nuôi trồng thủy sản phía trên khu dân cư, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tích thủy tạo lũ ống, lũ quét.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cung cấp kịp thời các thông tin về mưa và dòng chảy phía thượng nguồn; cập nhật, nâng cấp bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá theo hướng tăng cường khả năng ứng dụng cung cấp cho các địa phương trong khu vực.

Bộ Quốc phòng sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện trang thiết bi phù hợp để kịp thời tiếp cận ứng cận khu vực bị thiên tai và triển khai công tác ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao, sẵn sàng xử lý sự cố, nhanh chóng thông tuyến các đoạn đường thường xuyên bị sạt lở, chia cắt.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị theo dõi, quan trắc, giám sát, cảnh báo xả lũ xuống hạ du; phối hợp với địa phương giám sát việc xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực khai thác khoáng sản, ngăn chặn hiện tượng khai thác trái phép.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: