Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc với Tổng cục Khí tượng Thủy văn về công tác hải văn

Đăng ngày: 10-08-2022 | Lượt xem: 2623
Sáng ngày 10/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành về công tác quan trắc và dự báo hải văn hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Tham dự cuộc hop có Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng và Lãnh đạo một số Vụ và đơn vị chức năng trực thuộc Tổng cục. Ngoài ra còn có các đơn vị Trung tâm Hải văn của Tổng cục biển hải đảo và Viện Khoa học KTTV và BĐKH.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Hiện tại mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, hải văn có 27 trạm, bao gồm: 11 trạm ven bờ (Trà Cổ, Cửa Ông, Bãi Cháy, Hòn Dấu, Sầm Sơn, Hoành Sơn, Sơn Trà, Dung Quất, Quy Nhơn, Ninh Hải và Vũng Tầu); 11 trạm trên đảo (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Hòn Ngư, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Trường Sa và Song Tử Tây) và 5 trạm đặt trên nhà giàn (DKI-7, DKI-4, DKI-9, DKI-21 và DKI-9). Các yếu tố quan trắc bao gồm: Mực nước, sóng biển, gió, áp suất khí quyển, nhiệt độ không khí, lượng mưa, độ ẩm, mây, trạng thái biển, nhiệt độ nước và độ muối. Trong tổng số 27 trạm khí tượng hải văn chỉ có 5 trạm quan trắc mực nước với tần suất 01 giờ/số liệu, còn lại là quan trắc theo ốp Synop (tần suất 06 giờ/số liệu). Sóng biển được ước lượng bằng mắt và truyền về các Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia bằng sóng radio VHF hoặc điện thoại cố định.

Mạng lưới ra đa biển quan trắc sóng, dòng chảy mặt gồm 03 trạm do Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quản lý: Hòn Dấu (Hải Phòng), Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Đồng Hới (Quảng Bình). Đây là hệ thống trạm ra đa biển sử dụng dải tần số cao (HF) nên chủ yếu phục vụ quan trắc dòng chảy lớp mặt.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo

Trong 05 năm trở lại đây, công tác dự báo, cảnh báo hải văn đã có những bước tiến mới. Trước năm 2017, dự báo hải văn chỉ thực hiện cho hai yếu tố sóng biển và nước dâng do bão. Đến thời điểm hiện tại, được sự đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV thông qua các Dự án hợp tác quốc tế và Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, lĩnh vực hải văn đã tiến hành triển khai dự báo nghiệp vụ cho tất cả các yếu tố hải văn theo quy định, cụ thể gồm các yếu tố: Thủy triều, sóng biển, dòng chảy biển, nước dâng do bão và nước dâng do gió mùa. Ngoài ra, khi có sự cố, tai nạn trên biển cũng như cung cấp thông tin chuyên đề theo yêu cầu, các thông tin dự báo về lan truyền vật thể trôi, chất ô nhiễm và truy vết vật thể lạ (tầu, thuyền, người, vật thể, chất ô nhiễm trên biển) đã được cung cấp cho một số đơn vị theo yêu cầu như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam, Cục Cứu hộ Cứu nạn để phục vụ tác nghiệp.

Cũng tại cuộc họp, Trung tâm Dự báo cũng báo cáo Thứ trưởng Dự án Thiết lập Hệ thống giám sát khí tượng biển tại Việt Nam. Dự án với mục tiêu là nâng cao năng lực quan trắc khí tượng biển, góp phần ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông và ven bờ Việt Nam. Hiện tại, Dự án đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng trạm quan trắc sóng và mực nước biển, xác định vị trí phù hợp và đề xuất lắp đặt thiết bị mới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh vai trò của công tác hải văn, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Ông đề nghị, Tổng cục KTTV trong thời gian tới tập trung đẩy mạnh phát triển công tác hải văn mạnh mẽ hơn nữa. Xây dựng đề án hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn thì nội dung của công tác hải văn cần được chú trọng. Vấn đề xã hội hóa hải văn. Hợp tác làm tàu tự hành để khảo sát. Đối với Dự án Thiết lập Hệ thống giám sát khí tượng biển tại Việt Nam, ông đề nghị Trung tâm phối hợp chặt chẽ với JICA, cùng nhau trao đổi thống nhất về công nghệ quan trắc, hệ thống xử lý số liệu quan trắc cũng như mô hình để đảm bảo tích hợp với hệ thống dữ liệu đang có cũng như đảm bảo công tác quản lý.

Quang cảnh cuộc họp

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: