Trung tâm Quan trắc Khí tượng Thủy văn báo cáo về việc xây dựng dự toán chi nội dung quan trắc môi trường không khí và nước năm 2020

Đăng ngày: 08-05-2020 | Lượt xem: 3446
Sáng ngày 08/5/2020 tại Hà Nội, Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã nghe Trung tâm Quan trắc KTTV báo cáo về việc xây dựng dự toán chi nội dung quan trắc môi trường không khí và nước năm 2020. Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng tham dự và chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV: Vụ Quản lý Mạng lưới, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Tổng cục, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Trung tâm Ứng dụng công nghệ KTTV, Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt Trung tâm Quan trắc KTTV, Trực tuyến với 9 Đài KTTV khu vực.

Trong thời gian qua, Tổng cục KTTV đã từng bước thay đổi hệ thống các mạng lưới quan trắc đặc biệt là quan trắc liên quan đến môi trường, cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, công tác phối hợp thực hiện giữa các đơn vị, các Đài, tìm ra giải pháp cho công tác quan tắc môi trường trong thời gian tới. Lĩnh vực môi trường là lĩnh vực độc lập với KTTV, chức năng quan trắc môi trường hiện nay Tổng cục KTTV vẫn đang thực hiện, tuy nhiên, đưa thông tin môi trường, cảnh báo môi trường như là một nhiệm vụ về quan trắc môi trường thì nằm trong nhiệm vụ đặt hàng của Tổng cục Môi trường (đơn vị đầu mối quản lý Nhà nước về môi trường).

Việc sử dụng nguồn kinh phí cho sự nghiệp môi trường là cần thiết, tuy nhiên, hệ thống quan trắc hiện nay còn lạc hậu, công nghệ quan trắc còn nặng nề, sản phẩm có nhưng quá trình quản lý, chuyển giao còn nhiều trục trặc. Từ năm 2020, Tổng cục KTTV đã được phê duyệt thêm kinh phí để triển khai các nhiệm vụ quan trắc, mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường, địa chất khoáng sản sẽ được tích hợp với mạng lưới quan trắc KTTV. Vì vậy, việc xây dựng và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án “Nâng cấp các trạm quan trắc KTTV trên toàn quốc, tích hợp các yếu tố môi trường” trong thời gian tới là cần thiết. Để thực hiện được những vấn đề nêu trên, các đơn vị thực hiện, các Đài KTTV khu vực cần rà soát lại công nghệ quan trắc, mạng lưới trạm quan trắc, số liệu thu thập, sản phẩm, phân bổ kinh phí hợp lý, thống nhất và có sự đồng thuận.

Mạng lưới quan trắc môi trường không khí và nước có tổng cộng 180 trạm điểm quan trắc môi trường, gồm có: 01 trạm giám sát khí hậu toàn cầu Pha Đin; 10 trạm quan trắc môi trường không khí tự động (trong đó, 10 trạm quan trắc lấy mẫu nước mưa và 7 trạm quan trắc lấy mẫu bụi lắng); 16 trạm lấy mẫu nước mưa - bụi lắng; 51 trạm môi trường nước sông; 05 trạm môi trường nước hồ (thuộc 03 hồ chứa Hoà Bình, Thác Bà và Trị An. Trong đó, trạm hồ chứa Hòa Bình và Thác Bà mới được điều chuyển từ Viện KTTV và Biến đổi khí hậu sang Tổng cục KTTV từ tháng 5 năm 2018. Trạm hồ Hòa Bình đã quan trắc và gửi mẫu về phòng Thí nghiệm từ năm 2005, trạm hồ Thác Bà bắt đầu gửi mẫu về phòng thí nghiệm từ 10/2018); 06 trạm môi trường biển (biển ven bờ); 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông (điểm đo mặn); 03 phòng thí nghiệm (tại Trung tâm Quan trắc KTTV, Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ và Đài KTTV khu vực Nam Bộ).

Đối với các trạm thủ công: Việc tăng và giảm một số thông số quan trắc tại trạm và phân tích trong phòng thí nghiệm đáp ứng phù hợp theo các quy định của Thông tư 24 và các QCVN.

Đối với các trạm tự động quan trắc môi trường không khí: Theo thống kê 4 năm gần đây cho thấy, số modun hoạt động bình thường tại các trạm tự động năm 2016 là 41%, năm 2017 là 17%, năm 2018 là 9% và năm 2019 là 16%. Một số modun khác có số liệu nhưng không chính xác. Theo quy định của Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT ngày 29/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường, kết quả quan trắc tự động truyền trực tuyến liên tục 24/24h về Bộ TN&MT phải bảo đảm nhu cầu cung cấp, sử dụng thông tin và đạt tối thiểu 80% tổng số kết quả quan trắc dự kiến của chương trình. Mặt khác, các thiết bị này phải được kiểm định và hiệu chuẩn định kỳ hàng năm theo quy định tại Thông tư 24. Như vậy, nội dung quan trắc môi trường không khí tự động không đạt yêu cầu để nghiệm thu về sản phẩm.

Theo Vụ Kế hoạch Tài chính, trên cơ sở khối lượng, nội dung và hiện trạng hoạt động quan trắc môi trường nguồn kinh phí sẽ được phân bổ theo 4 nhiệm vụ chính: Hoạt động của 3 phòng thí nghiệm; Hoạt động quan trắc của các trạm quan trắc tự động; Hoạt động quan trắc thủ công và Rà soát lại hệ thống, sản phẩm tại 83 trạm thủ công quan trắc các yếu tố KTTV.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái và Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng chia sẻ với những khó khăn trong hoạt động quan trắc trong thời gian tới, hiện nay hệ thống quan trắc KTTV đã lạc hậu, số liệu không đồng bộ, hệ thống kiểm định còn thiếu. Kinh phí sẽ triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, vì vậy cần nhanh chóng rà soát lại các phòng thí nghiệm, các trạm quan trắc đang không tướng ứng với sản phẩm, kinh phí đầu tư thấp, phòng thí nghiệm chưa có đề án hoạt động. Tổng cục trưởng yêu cầu Vụ Quản lý Mạng lưới thanh tra, kiểm tra, đề xuất về chuyên môn cho Lãnh đạo Tổng cục, Vụ Kế hoạch Tài chính rà soát kế hoạch xây dựng dự toán, sớm trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt. Các Vụ phối hợp với Trung tâm Quan trắc KTTV và các Đài KTTV khu vực, các đơn vị phân bổ nguồn kinh phí, giải trình nguồn kinh phí sẽ được thực hiện phù hợp. Sớm thành lập ban chỉ huy của Tổng cục để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên.

Toàn cảnh cuộc họp

Bài và ảnh: Thu Hằng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: