Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng-Báo TNMT
Báo cáo tại cuộc họp, tỉnh Kom Tum cho biết: Trong năm 2021, thời tiết nắng nóng trên địa bàn tỉnh Kom Tum đã gây ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực với tổng diện tích khoảng 93,84 ha. Tháng 9, 10 do ảnh hưởng bão số 5, 6 và mưa lũ đã làm chết 3 người, 136 nhà ở bị ảnh hưởng và khoảng 728 ha diện tích nông nghiệp thiệt hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác như giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, sạt lở và gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 khoảng 126 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận một trường hợp chết do nước lũ cuốn trôi khi đi qua suối, hai trường hợp chết do bị sét đánh. Mưa lớn kèm gió lốc, lũ đã làm 8 nhà ở bị tốc mái, 4 trường học bị ảnh hưởng và 9,5 ha cây trồng bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 972 triệu đồng.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua trên địa bàn tỉnh là tình hình động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Từ năm 2021 đến nay, ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn >=2.5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trận động đất mạnh nhất vào lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 18/4/2022, có độ lớn 4,5 độ richter thuộc khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. UBND huyện Kon Plông đã đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện triển khai lắp đặt thêm 5 trạm quan sát động đất để ghi nhận nhanh, chính xác, đầy đủ các trận động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và các khu vực lân cận phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động động đất và vận hành an toàn công trình thủy điện.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản có liên quan. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ chứa và đề nghị các chủ đập thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp, phương án ứng phó tương ứng từng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét, động đất... đảm bảo sát thực tiễn. Tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý, xử lý; khắc phục ngay công trình, hạng mục công trình hư hỏng có nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, tỉnh tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn trước và trong mùa mưa, lũ năm 2022 theo quy định.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm cho phù hợp thực tế địa phương; lồng ghép phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đưa thông tin đến thôn, bản và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trong mùa mưa bão sắp đến.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Kon Tum trước mùa bão lũ 2022. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai theo các tình huống thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo "phương châm 4 tại chỗ” để sẵn sàng và ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. Công tác phòng chống thiên tai trên thực địa được tỉnh quan tâm, thực hiện rốt ráo, có sáng tạo phù hợp với hiện tượng thiên tai trên địa bàn, tập trung vào công tác “phòng là chính”.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, theo dự báo cuối năm 2022, khu vực Tây Nguyên có thể đón mưa lũ dồn dập. Do vậy, tỉnh cần cảnh giác, đề phòng các hiện tượng thiên tai cự đoan, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay, việc cảnh báo, dự báo hiện tượng này còn nhiều khó khăn, vì không chỉ phụ thuộc vào mưa lớn mà còn phụ thuộc vào nền đất, các hoạt động địa chất, phát triển kinh tế xã hội. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Đài tỉnh để trao đổi thông tin, có cảnh báo kịp thời.
Hiện nay, số liệu mưa trên địa bàn còn thiếu, gây khó khăn cho công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Để khắc phục, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, do nguồn ngân sách cấp cho việc xây dựng mới các trạm đo là khó khăn nên địa phương có thể thực hiện theo hướng xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ sử dụng tiền từ Quỹ Phòng chống thiên tai để mua lại các số liệu từ doanh nghiệp để phục vụ công tác dự báo. Hiện, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thực hiện theo phương án này và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cung cấp các số liệu quan trắc theo quy định. Đặc biệt là các hồ chứa nước cần phải thường xuyên kiểm tra, giám đảm bảo thực hiện đúng
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Linh, Chánh Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Phó Trưởng đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật khí tượng thủy văn năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã trình bày dự thảo báo cáo kết luận kiểm tra. Báo cáo đã chỉ rõ các mặt làm được, những điểm tồn tại hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Tạp chí KTTV tổng hợp